Triển lãm tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam trong khuôn khổ kỳ họp thứ 59 WIPO

Triển lãm tơ lụa và thổ cẩm Việt Nam xuất hiện tại WIPO là nhằm xác định chủ quyền của các sản phẩm mang giá trị truyền thống, thể hiện được rõ nét bản sắc của Việt Nam.
Triển lãm tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam trong khuôn khổ kỳ họp thứ 59 WIPO ảnh 1Thời trang thổ cẩm giới thiệu tại triển lãm tơ lụa và thổ cẩm Việt Nam ở sảnh trụ sở WIPO. (Ảnh: Tố Uyên/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 59 Đại hội đồng các quốc gia thành viên của Tổ chức sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), triển lãm tơ lụa và thổ cẩm Việt Nam đã diễn ra tại sảnh trụ sở WIPO từ ngày 30/9 đến ngày 9/10.

Triển lãm do Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế tại Geneva tổ chức đã khẳng định một lần nữa sự sáng tạo Việt với bản sắc văn hóa Việt, thể hiện một đất nước Việt Nam giàu truyền thống và văn hóa với màu sắc tươi sáng.

Cùng với thổ cẩm của nhiều dân tộc thiểu số, triển lãm còn giới thiệu những sản phẩm do nhà tạo mẫu Minh Hạnh thiết kế từ lụa Bảo Lộc (Lâm Đồng) thủ phủ tơ lụa Việt Nam, nơi gìn giữ phát huy nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa từ hàng trăm năm qua.

[Khai mạc Festival Văn hóa tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam-Thế giới lần thứ 5]

Phát biểu tại triển lãm, nhà thiết kế Minh Hạnh cho rằng đây là một cơ hội rất lớn để cho những giá trị truyền thống của Việt Nam được xuất hiện thông qua những hình ảnh và những chất liệu quý giá của Việt Nam là thổ cẩm và tơ lụa.

Việt Nam có 54 dân tộc với bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú được thể hiện rõ thông qua phong tục, nếp sống và các nghề thủ công truyền thống phát triển qua thời gian, đặc biệt phụ nữ vùng cao rất giỏi dệt vải thổ cẩm, đan lát, thêu thùa, làm ra những trang phục độc đáo cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Các hoa văn trên vải thổ cẩm thường thể hiện theo nét truyền thống của từng dân tộc. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống được giữ gìn và lưu truyền qua bàn tay khéo léo của những người phụ nữ trong gia đình. Lụa tơ tằm Việt Nam cũng là chất liệu truyền thống lâu đời, tồn tại và phát triển suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt.

Triển lãm tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam trong khuôn khổ kỳ họp thứ 59 WIPO ảnh 2Bà Hồ Thị Hợp (dân tộc Tà Ôi, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế), nghệ nhân dệt thổ cẩm dệt vải tại triễn lãm WIPO. (Ảnh: Tố Uyên/TTXVN)

Theo nhà thiết kế Minh Hạnh, mãi cho đến nay thổ cẩm và tơ lụa vẫn chưa ghi dấu được giá trị thật sự hay được khẳng định bởi các tổ chức quốc tế như WIPO. Trong tiến trình để giữ gìn tri thức truyền thống của thế giới, Việt Nam cũng không thể đứng ngoài quy trình này.

Triển lãm tơ lụa và thổ cẩm Việt Nam xuất hiện tại WIPO là nhằm xác định chủ quyền của các sản phẩm mang giá trị truyền thống, thể hiện được rõ nét bản sắc của Việt Nam.
Trước đó, chương trình thời trang Vietmode giới thiệu sắc màu truyền thống của chất liệu thổ cẩm và lụa Việt Nam nhân kỷ niệm 74 năm Quốc khánh cũng đã được Phái đoàn Việt Nam tổ chức tại trụ sở WIPO. Các trang phục truyền thống Việt Nam qua các buổi trình diễn được các giới chức và bạn bè quốc tế yêu thích.

Tổng Giám đốc WIPO Francis Gurry đã bày tỏ sự ấn tượng với buổi trình diễn thời trang thổ cẩm, lụa tơ tằm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục