Triển lãm M-Tech Nagoya - tăng cường kết nối doanh nghiệp Việt-Nhật

Triển lãm M-Tech Nagoya 2021 là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác và cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tiếp cận công nghệ hiện đại.
Triển lãm M-Tech Nagoya - tăng cường kết nối doanh nghiệp Việt-Nhật ảnh 1Các gian hàng tại triển lãm M-Tech Nagoya 2021. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 7/4, Triển lãm M-Tech Nagoya 2021 đã khai mạc ở thành phố Nagoya, thủ phủ của tỉnh Aichi (Nhật Bản), với sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.

M-Tech Nagoya là triển lãm thường niên chuyên ngành cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ và kỹ thuật gia công lớn nhất Nhật Bản. Triển lãm này thường có sự tham gia của nhiều nhà sản xuất đến từ các cường quốc công nghiệp trên thế giới như Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Vì vậy, đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác và cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời tiếp cận công nghệ, kỹ thuật sản xuất tiên tiến, hiện đại.

Tuy nhiên, ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết năm nay, do sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nên nhiều doanh nghiệp Việt Nam không thể sang Nhật Bản để tham dự M-Tech Nagoya 2021 và giao dịch trực tiếp với các đối tác nước ngoài.

Do đó, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu sản phẩm đến các khách tham quan, qua đó góp phần tăng cường kết nối doanh nghiệp Việt-Nhật và thúc đẩy giao thương giữa hai nước, đồng thời hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Về phần mình, ông Masaki Hatabe, một quan chức của công ty Trách nhiệm hữu hạn Reed Exhibitions - đơn vị tổ chức M-Tech Nagoya 2021, đánh giá cao việc doanh nghiệp Việt Nam cử đại diện tham dự triển lãm này.

[Thúc đẩy chia sẻ, chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp Việt-Nhật]

Ông nói: “Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã không thể sang Nhật Bản để trực tiếp tham dự M-Tech Nagoya 2021. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản rất muốn tiếp xúc với các đối tác Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi hy vọng thông qua triển lãm này, các doanh nghiệp Nhật Bản có thể tìm hiểu và trao đổi với các đối tác Việt Nam bằng các kết nối trực tuyến.”

Ông Hatabe cũng cho biết, bất chấp dịch COVID-19, Reed Exhibitions dự kiến sẽ tổ chức 3 triển lãm trong năm nay và 4 triển lãm khác trong năm tới, với mong muốn kết nối các doanh nghiệp Nhật Bản với thế giới. Ông rất hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tham dự các triển lãm đó.

Tại triển lãm, rất nhiều khách thăm qua đã ghé thăm gian hàng của các doanh nghiệp Việt Nam như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Công nghiệp Minh Quang và Công ty Trách nhiệm hữu hạn EXT Engineer Việt Nam để tìm hiểu về năng lực sản xuất của các doanh nghiệp này.

Triển lãm M-Tech Nagoya - tăng cường kết nối doanh nghiệp Việt-Nhật ảnh 2Khách tham quan tìm hiểu về Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Công nghiệp Minh Quang. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, ông Lê Minh Giang, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Công nghiệp Minh Quang, nói: “Công ty đã hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chính xác trong gần 20 năm và hiện có một đội ngũ công nhân lành nghề cùng với hệ thống máy móc thiết bị hiện đại. Sản phẩm của công ty đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Nhật Bản, Thái Lan, Brazil và Indonesia. Mặc dù vậy, công ty vẫn tham dự M-Tech Nagoya 2021, với hy vọng tìm kiếm thêm các đối tác mới và tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.”

Theo số liệu của Hải quan Nhật Bản, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 1,1 tỷ USD, chiếm tới 5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, kết quả này có được một phần là nhờ các Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã có nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực này.

Cụ thể, trong 6 ngành ưu tiên của Chiến lược công nghiệp hóa trong khuôn khổ hợp tác Việt-Nhật, có tới 3 ngành liên quan đến công nghiệp hỗ trợ, gồm điện tử; máy nông nghiệp; sản xuất ô tô và phụ tùng ôtô.

Bên cạnh đó, tại cuộc họp giữa kỳ Sáng kiến chung Việt-Nhật giai đoạn 7 vào đầu năm 2019, hai nước đã nhất trí triển khai nhiều nội dung nhằm phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, bao gồm hỗ trợ đầu tư thiết bị đồ gá, khuôn đúc...; đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực quản lý kinh doanh; thu hút đầu tư, xúc tiến phát triển thị trường nhằm tăng doanh số và giảm chi phí sản xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục