Triển lãm 'Ký ức và niềm tin': Xúc động xem lá đơn xin nhập ngũ viết bằng máu

Một số hiện vật tiêu biểu trong triển lãm có thể kể đến: Đơn tình nguyện nhập ngũ viết bằng máu; nhật ký của nữ bộ đội Trường Sơn về con đường ra trận và những lá thư tình thời chiến.
Một số hiện vật trưng bày trong triển lãm: Những bức thư thời chiến, lá đơn tình nguyện nhập ngũ viết bằng máu, cặp lồng, biđông đựng nước. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

“Trước cảnh đất nước còn bị đau thương tan tác thì tôi - người thanh niên với dòng máu đang trào dâng này không thể ngồi nhìn được, mà tôi muốn góp sức mình vào công cuộc chống Mỹ cứu nước.”

Đó là một đoạn trong lá đơn tình nguyện nhập ngũ viết bằng máu của bà Lộc Thị Hồng, thôn Vũ Thắng, xã Tân Tri, Bắc Sơn, Lạng Sơn khi bà Hồng mới 17 tuổi.

Lá đơn ấy là một trong số 200 hiện vật, hình ảnh đang được trưng bày tại triển lãm “Ký ức và niềm tin” khai mạc ngày 19/12 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Triển lãm do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thực hiện từ những tài liệu, hiện vật quý giá đã được sưu tầm trong gần 20 năm qua. Đó là kết quả của những chuyến công tác trên khắp vùng miền Tổ quốc để gặp gỡ và lắng nghe câu chuyện từ các nhân chứng lịch sử, và thân nhân của các anh hùng liệt sỹ đã nằm lại nơi chiến trường năm xưa.

Những lá thư thời chiến. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Triễn lãm gồm ba chủ đề: “Sẵn sàng lên đường,” “Niềm tin chiến thắng” và “Ngày trở về.”

Một số hiện vật tiêu biểu có thể kể đến: Đơn tình nguyện nhập ngũ viết bằng máu; nhật ký của nữ bộ đội Trường Sơn về con đường ra trận và những năm tháng phục vụ trong quân ngũ; thư của người liệt sỹ gửi vợ đong đầy nỗi nhớ và niềm tin về ngày đoàn tụ hay chiếc kèn Harmonica mà người chiến sỹ đã dùng thổi bài “Vì nhân dân quên mình” cạnh quả bom hẹn giờ để động viên tinh thần đồng đội…

Triển lãm sẽ giúp người xem trả lời được câu hỏi vì sao đất nước Việt Nam nhỏ bé có thể chiến đấu và chiến thắng trước những kẻ thù có tiềm lực kinh tế và quân sự như vậy.

Triển lãm giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Triển lãm cũng nhấn mạnh đến mối quan hệ mật thiết giữa hậu phương-tiền tuyến, qua đó gửi tới thế hệ trẻ ngày nay thông điệp hãy sống có ước mơ, hoài bão, niềm tin, hãy tiếp bước cha anh “Sống một đời đáng sống.”

Đặc biệt, trong khuôn khổ triển lãm, công chúng sẽ có cơ hội tham gia hoạt động trải nghiệm “Thư gửi người thân,” nơi mọi người có thể viết những dòng thư ý nghĩa, gửi gắm tình cảm chân thành đến những người thân yêu của mình qua những lá thư mang đậm phong cách thời chiến.

Phát biểu khai mạc sự kiện, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền cho hay trong suốt 80 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Quân đội Nhân dân Việt Nam, bằng tài năng, trí tuệ, lòng dũng cảm, ý chí quyết chiến quyết thắng, không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, đã xây đắp nên truyền thống anh hùng, bất khuất, là biểu tượng của sức mạnh đoàn kết dân tộc, là quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng, là niềm tin vững chắc của nhân dân.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, những ký ức mang tầm vóc dân tộc được tái hiện qua những hình ảnh, tư liệu trong triển lãm và câu chuyện từ các vị khách mời đặc biệt sẽ là hành trang, bài học quý giá và là nguồn cổ vũ động viên tinh thần to lớn để chúng ta cùng chung tay xây dựng cuộc sống hạnh phúc, phồn vinh trong thời đại mới, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, về một quá khứ hào hùng không được lãng quên và tiếp bước thế hệ cha anh.

Bà Trần Thị Lý Nhân bên bức ảnh gia đình trước khi bố của bà lên đường ra chiến trường. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Tham quan triển lãm, bà Trần Thị Lý Nhân (Hà Nội) xúc động khi thấy bức ảnh chụp gia đình mình được Bảo tàng trưng bày trang trọng. Đó là ảnh ông Trần Trọng Hoán và bà Phan Thị Miên cùng bốn người con trước khi ông Hoán vào chiến trường miền Nam năm 1964. Bà Nhân là một trong số bốn người con, năm ấy mới 9 tuổi.

“Bố tôi tham gia kháng chiến và anh dũng hy sinh, để lại vợ và 4 con nhỏ. Ông cũng như bao người lính khác sẵn sáng gác lại hạnh phúc riêng để lên đường chiến đấu. Tôi mong những kỷ vật mà gia đình trao tặng cho Bảo tàng sẽ tiếp tục được trưng bày, giới thiệu để lan tỏa truyền thống yêu nước, sẵn sàng hy sinh của thế hệ trước,” bà Nhân bày tỏ.

Triển lãm “Ký ức và niềm tin” mở cửa phục vụ công chúng tham quan từ ngày 19/12 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục