Sáng ngày 9/1/2023 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội) đã khai mạc triển lãm mang tên “Khát vọng hòa bình," kết hợp tọa đàm với chủ đề "Vì một nền hòa bình."
Sự kiện do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và Ban Di sản Ký ức tổ chức, hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam; kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Triển lãm đưa người xem đến với những câu chuyện về ý chí, sự kiên cường và anh dũng, bản lĩnh và trí tuệ của người phụ nữ Việt Nam trên mọi mặt trận từ chính trị, quân sự, ngoại giao nhân dân...; trong đó đáng chú ý nhất chính việc ký kết Hiệp định Paris với vai trò đặc biệt của bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Các hình ảnh, tư liệu trưng bày tại triển lãm thể hiện khao khát hòa bình cho đất nước, cho dân tộc thông qua các hoạt động đấu tranh vì hòa bình của nhân dân Việt Nam cùng sự đồng hành, ủng hộ của bạn bè quốc tế thông qua nhiều câu chuyện lịch sử và những hành trình tiếp nối thực hiện sứ mệnh hòa bình của phụ nữ Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Tại buổi tọa đàm, những nỗ lực không mệt mỏi của các nữ lái xe Trường Sơn can trường cũng được các đại biểu tham dự chia sẻ. Thành lập năm 1968, Đội nữ lái xe Trường Sơn C13 bao gồm hơn 40 nữ thanh niên xung phong, nữ bộ đội mới ở độ tuổi đôi mươi.
Được đào tạo lái xe để hỗ trợ cho kho trạm thay cho lái xe nam ra trận, những cô gái nhận nhiệm vụ trên khu vực bị giặc đánh phá ác liệt bậc nhất: từ Bến Thuỷ đến Tây Trường Sơn, trong đó phải kể đến những nơi “trọng điểm của trọng điểm” như ngã ba Đồng Lộc, Khe Ve, Long Đại, 050, Cổng Trời…
Sau 4 năm 8 tháng đàm phán, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức được ký. Nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình - trên cương vị Trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam - đã trở thành người phụ nữ duy nhất đặt bút ký lên hiệp định. Bà cũng là trưởng đoàn nữ duy nhất trong 4 đoàn ngồi vào bàn đàm phán.
Tham gia tọa đàm, cựu Đại sứ Việt Nam tại Singapore - Phó Giáo sư, Tiến sỹ Dương Văn Quảng nhận xét bà Nguyễn Thị Bình cùng những nữ lái xe gan dạ là biểu hiện cho sắc đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
“Nhìn lại những ảnh năm tháng đó, ta thấy người phụ nữ Việt Nam đẹp dịu dàng trong cư xử, nhưng kiên định, bản lĩnh trong đàm phán ngoại giao và nhiều mặt trận khác,” ông Quảng nói.
Ông cũng cho rằng việc thành công ký kết hiệp định năm 1973 là tiền đề để Việt Nam tham dự trong Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc hiện nay. Ở đó tiếp tục có một phần lớn công lao và đóng góp không ngừng nghỉ của những nữ chiến sỹ mũ nồi xanh Việt Nam.
[Lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam thể hiện khả năng thích ứng nhanh]
Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục khẳng định những vai trò của những người phụ nữ Việt Nam đầy bản lĩnh và đầy trí tuệ, góp phần ngợi ca giá trị của hòa bình và truyền đi thông điệp: "Hãy cùng chung tay vun đắp, dựng xây vì một nền hòa bình cho nhân loại."
Hiệp định Paris năm 1973 có ý nghĩa to lớn đối với nhân dân Việt Nam, không chỉ tạo tiền đề để Việt Nam tiến đến thống nhất đất nước mà còn là niềm cổ vũ lớn lao đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Một số hình ảnh tại buổi triển lãm: