Triển lãm 'Hương sắc Thăng Long': Nghệ thuật sắp đặt hòa quyện cùng thư pháp

Triển lãm giới thiệu 36 tác phẩm của 18 thư pháp gia đến từ mọi miền Tổ quốc, nhằm tôn vinh vẻ đẹp của đất và người Thăng Long-Hà Nội thông qua nghệ thuật thư pháp.
Không gian trưng bày triển lãm "Hương sắc Thăng Long." (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Lần đầu tiên, nội dung trích từ “Khuyến học văn” (Bài văn khuyến học) của vua Lê Thánh Tông được sử dụng làm chất liệu cho một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt thư pháp hoành tráng, chiếm phần lớn không gian Nhà Thái học, Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Theo Giám tuyển Xuân Như (Vũ Thanh Tùng), không gian nghệ thuật sắp đặt gồm 365 cuốn tập phỏng cổ viết nội dung trích từ “Khuyến học văn” của vua Lê Thánh Tông như một sự nhắc nhở về việc học phải thực hiện hàng ngày theo lời dạy của bậc tiền nhân.

“Ngoài 365 cuốn tập tượng trưng cho 365 ngày chăm chỉ học hành, tác phẩm sắp đặt này còn có hai cụm chữ: “Phụng sự quốc gia-Xã tắc viễn trường” hàm ý đề cao đạo học, khuyên nhủ con người chăm chỉ học hành nhằm phụng sự đất nước, để non sông xã tắc mãi trường tồn,” Giám tuyển Xuân Như giải thích.

Đại biểu và công chúng chiêm ngưỡng tác phẩm sắp đặt gồm 365 cuốn tập trích "Khuyến học văn" của vua Lê Thánh Tông, một tác gia lớn của văn học trung đại Việt Nam. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Tác phẩm đang được trưng bày trong triển lãm thư pháp “Hương sắc Thăng Long” khai mạc ngày 3/11 tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội, giới thiệu 36 tác phẩm xuất sắc của 18 tác giả từ mọi miền đất nước.

Với mục đích tôn vinh vẻ đẹp của đất và người Thăng Long-Hà Nội thông qua nghệ thuật thư pháp, triển lãm bao gồm những áng thơ văn bất hủ về Thăng Long-Hà Nội và tinh hoa đạo học của các tác giả nổi tiếng trong lịch sử như Lê Thánh Tông, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Trương Hán Siêu, Nguyễn Du, Ngô Thì Nhậm, Trần Bá Lãm, Bà Huyện Thanh Quan...

Các tác phẩm chủ yếu được viết theo lối truyền thống với các thể chữ Triện, Lệ, Chân, Hành, Thảo. Bên cạnh đó, cũng có một số tác phẩm có lối thể hiện mới mẻ, đột phá trong cách thể hiện nét chữ và bố cục.

Triển lãm bao gồm những áng thơ văn bất hủ về Thăng Long-Hà Nội và tinh hoa đạo học của các tác giả nổi tiếng trong lịch sử. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

“Điểm xuyết có một số bức với lối thể hiện mới mẻ, khác lạ ở chữ viết và cách trình bày tác phẩm cho thấy thú chơi bút mực rất phong phú và còn nhiều dư địa phát triển trong bối cảnh hiện nay khi thư pháp truyền thống mặc định vẫn luôn chỉn chu, chừng mực, ý vị và nghiêm cẩn,” thư pháp gia Xuân Như cho biết.

Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, Tiến sỹ Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám cho biết đây là hoạt động thường niên tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám và mỗi năm có một chủ đề mới.

Tác phẩm "Bạch Đằng giang phú" của thư pháp gia Nguyễn Quang Duy. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

“Chúng tôi hy vọng triển lãm là nơi hội tụ của các nhà thư pháp trên khắp mọi miền đất nước và cũng là nơi gặp gỡ, giao lưu của những người yêu mến nghệ thuật thư pháp, góp phần tạo nên sức sống của hoạt động thư pháp trong đời sống hiện nay, phục vụ cho cộng đồng,” ông Lê Xuân Kiêu nói.

Triển lãm kéo dài đến hết ngày 3/12./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục