Triển lãm hơn 200 tài liệu quý hiếm về Đô thị biển Đà Nẵng

Các tài liệu giới thiệu đến công chúng chặng đường lịch sử dài hơn 700 năm về quá trình hình thành, đấu tranh, xây dựng và phát triển của thành phố biển Đà Nẵng.
Đại biểu tham quan triển lãm 'Đô thị biển Đà Nẵng qua tài liệu lưu trữ.' (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Đại biểu tham quan triển lãm 'Đô thị biển Đà Nẵng qua tài liệu lưu trữ.' (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Chiều 9/7, tại Bảo tàng Đà Nẵng, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước - Bộ Nội vụ phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng tổ chức khai mạc Triển lãm “Đô thị biển Đà Nẵng qua tài liệu lưu trữ.”

Triển lãm giới thiệu đến công chúng hơn 200 đơn vị tài liệu là những văn bản, bản đồ, hình ảnh được chọn lọc trong kho tài liệu của các Trung tâm Lưu trữ quốc gia Việt Nam; sưu tầm từ Bảo tàng Đà Nẵng, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng và từ một số tổ chức khác.

Các tài liệu giới thiệu đến công chúng chặng đường lịch sử dài hơn 700 năm về quá trình hình thành, đấu tranh, xây dựng và phát triển của thành phố biển Đà Nẵng.

Đặc biệt, trong đó có những tài liệu quý hiếm được công nhận là Di sản tư liệu thế giới như: Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn.

Triển lãm trưng bày các tư liệu theo ba chủ điểm chính, gắn liền với từng mốc lịch sử quan trọng.

[Đà Nẵng tiếp nhận tư liệu quý khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa]

Phần 1, Đà Nẵng - Vùng đất và con người, giới thiệu hơn 80 đơn vị tài liệu là mộc bản, châu bản, văn bản, hình ảnh và bản đồ, khắc họa rõ nét quá trình hình thành và những thay đổi về tổ chức hành chính của vùng đất Đà Nẵng từ những năm 1306 khi tên gọi Đà Nẵng vẫn chưa xuất hiện đến thời điểm thành phố Đà Nẵng chính thức được thành lập.

Phần 2, Đà Nẵng trong quá trình đấu tranh, bảo vệ nền độc lập của dân tộc (từ năm 1858-1975), được chia làm hai giai đoạn: Đà Nẵng trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1858-1954); Đà Nẵng trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975).

Đây là quá trình đấu tranh gian khổ, kiên cường chống giặc ngoại xâm với nhiều hoạt động của nhân dân Đà Nẵng được giới thiệu theo diễn tiến lịch sử từng giai đoạn với hơn 70 đơn vị tài liệu và nhiều hình ảnh đen trắng quý hiếm.

Đặc biệt, công chúng sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng cả những tài liệu thuộc dạng mật và tuyệt mật của chính quyền thuộc địa Pháp.

Triển lãm hơn 200 tài liệu quý hiếm về Đô thị biển Đà Nẵng ảnh 1Khách tham quan triển lãm 'Đô thị biển Đà Nẵng qua tài liệu lưu trữ.' (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Phần 3, Đà Nẵng trong quá trình xây dựng và phát triển (từ năm 1975 đến nay) giới thiệu hơn 40 hình ảnh về những thành tựu tăng trưởng kinh tế, quan hệ đối ngoại mở rộng cùng nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, đặc trưng của thành phố biển Đà Nẵng được hình thành sau năm 1975.

Cục trưởng Cục Văn thư lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng, cho biết Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương, có vị trí địa lý chính trị, quân sự và kinh tế vô cùng quan trọng của nước ta.

Đây là mảnh đất lưu lại nhiều dấu ấn đậm nét về lịch sử, văn hóa, có bề dày truyền thống, có vị thế đặc biệt trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc.

Bề dày lịch sử, truyền thống, vị thế của Đà Nẵng đã được khẳng định và ghi chép khá đầy đủ, thống nhất, toàn diện trong các Di sản tư liệu thế giới của Việt Nam đã được UNESCO công nhận, đó là các Mộc bản, Châu bản triều Nguyễn và nhiều tài liệu lưu trữ quốc gia hiện được bảo quản an toàn trong các Trung tâm Lưu trữ quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.

Theo Cục trưởng Cục Văn thư lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng, tại triển lãm này, các Di sản tư liệu thế giới, các bảo vật quốc gia và tài liệu lưu trữ quốc gia do Cục quản lý đã dày công lựa chọn để trưng bày cùng với các hình ảnh, tư liệu, bản đồ hiện được lưu giữ tại Ban Tuyên giáo Thành ủy, Bảo tàng Đà Nẵng và Báo Đà Nẵng.

Điều này sẽ giúp nhân dân, du khách tiếp cận những tư liệu lịch sử chân thực, đáng tin cậy, để hiểu rõ thêm về những dấu mốc lịch sử, những giá trị truyền thống tốt đẹp, giá trị văn hóa đặc sắc của Đà Nẵng; góp phần bồi đắp lòng tự hào của người dân Đà Nẵng đối với truyền thống, lịch sử cách mạng của quê hương, chung tay xây dựng Đà Nẵng cùng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Ngay sau triển lãm, toàn bộ phiên bản các di sản tư liệu thế giới và tài liệu lưu trữ này sẽ được Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước trao tặng lại thành phố Đà Nẵng để bổ sung, làm phong phú thêm nguồn tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu, giáo dục truyền thống lịch sử, xây dựng cơ sở dữ liệu của thành phố.

Triển lãm là hoạt động hướng tới kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2020); đồng thời tạo cơ hội để nhiều người dân, du khách có dịp hiểu hơn về quá khứ hào hùng, giá trị lịch sử cùng các thành tựu lớn của đô thị biển Đà Nẵng trên con đường xây dựng và phát triển.

Triển lãm kéo dài đến hết ngày 19/7./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục