Triển lãm chuyên đề một số dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam

Triển lãm trưng bày, giới thiệu đến công chúng hơn 150 tác phẩm và mộc bản tranh dân gian thuộc 5 dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam như: Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống (Hà Nội), Kim Hoàng...
Du khách tham quan triển lãm. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN.)

Chiều 14/4, Bảo tàng Mỹ thuật Huế tổ chức Triển lãm chuyên đề “Một số dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam và nghề thủ công truyền thống Huế.”

Triển lãm trưng bày, giới thiệu đến công chúng hơn 150 tác phẩm và mộc bản tranh dân gian thuộc 5 dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam như: Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống (Hà Nội), Kim Hoàng (Hà Nội), Làng Sình (Thừa Thiên - Huế) và Tranh Đồ thế Nam Bộ.

Tranh dân gian Việt Nam có giá trị đặc sắc trong kho tàng nghệ thuật dân tộc, vừa phản ảnh đời sống tinh thần của người dân, vừa ngưng đọng những giá trị văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú, đa dạng là nét độc đáo trong di sản văn hóa Việt Nam.

Kho tàng tranh dân gian Việt Nam hiện có khoảng 12 dòng tranh. Các dòng tranh dân gian Việt là sự kết tinh nhiều giá trị thẩm mỹ, tinh thần và tín ngưỡng, mang đậm yếu tố văn hóa của con người Việt Nam qua các thời đại với nội dung phong phú, đa dạng, màu sắc tự nhiên rực rỡ, thấm đẫm tâm hồn trong trẻo, tính nhân bản của nhân dân lao động được thể hiện bằng trí thông minh, khả năng tài khéo, sự cách điệu hóa và kỹ thuật điêu luyện của những nghệ nhân dân gian.

Tranh dân gian không chỉ đáp ứng các nhu cầu thẩm mỹ và tín ngưỡng tâm linh của người dân mà còn ẩn chứa, đề cao đạo lý làm người, giáo dục những phẩm chất tốt đẹp, cầu mong những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Kho tàng tranh dân gian đã đóng góp đáng kể vào nền mỹ thuật đồng thời là tài sản quý giá trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.

Bên cạnh đó, Triển lãm còn trưng bày giới thiệu một số nghề và sản phẩm thủ công truyền thống của Huế như: nghề làm tranh làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên, nghề dệt Dèng thổ cẩm A Lưới, nghề làm nón lá, nghề điêu khắc gỗ, nghề làm diều Huế…

Theo thống kê, địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện có 86 làng nghề, 57 nghề truyền thống hoạt động riêng lẻ được phân bố trên 123 địa điểm có nghề hoạt động theo địa bàn cấp huyện, với đông đảo đội ngũ thợ thủ công lành nghề, tài hoa.

[Khai trương Nhà trưng bày di sản văn hóa nghề làm tranh Đông Hồ]

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế Đinh Thị Hoài Trai cho biết, ngày nay, những làng nghề tranh dân gian cũng như nghề thủ công truyền thống không còn được phát triển như trước đây.

Tuy nhiên, những tác phẩm tranh dân gian Việt Nam, sản phẩm thủ công mỹ nghệ vẫn được đánh giá rất cao và được coi là đặc trưng nghệ thuật độc đáo cần được lưu giữ, bảo tồn. Do đó, công tác sưu tầm, lưu giữ, trưng bày triển lãm văn hóa dân gian, thủ công truyền thống luôn được Bảo tàng Mỹ thuật Huế tăng cường và chú trọng.

Ban Tổ chức triển lãm hy vọng qua các hoạt động trưng bày, quảng diễn của các nghệ nhân nghề và hoạt động trải nghiệm sẽ giúp cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu thêm những nét đặc trưng của văn hóa truyền thống qua các dòng tranh dân gian và nghề thủ công truyền thống nổi tiếng đậm bản sắc dân tộc; từ đó tôn vinh, khơi gợi niềm yêu thích với văn hóa truyền thống Việt Nam nói chung, Thừa Thiên - Huế nói riêng.

Triển lãm mở cửa phục vụ khách tham quan đến hết ngày 22/4 tại Bảo tàng Mỹ thuật Huế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục