Triển lãm các tư liệu về Thành Nhà Hồ, Hồ Quý Ly

Hệ thống tư liệu phần lớn là tư liệu Việt văn đương đại và Pháp văn, trong đó các tư liệu tiếng Pháp chủ yếu được in từ trước năm 1945.
Mở đầu cho chuỗi hoạt động đón Bằng Di sản thế giới Thành Nhà Hồ, Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức trưng bày triển lãm giới thiệu bộ sưu tập tư liệu, sách báo về Thành Nhà Hồ-Hồ Quý Ly-Triều Hồ.

Bộ sưu tập gồm 500 tư liệu là những bài viết, bài nghiên cứu, sáng tác văn học nghệ thuật của các học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước được đăng tải trên các báo, tạp chí, các luận án khoa học, các công trình nghiên cứu được in thành sách từ xưa đến nay.

Bộ sưu tập được thể hiện qua bốn nội dung chính gồm tư liệu về Thành Nhà Hồ, tư liệu về Hồ Quý Ly, tư liệu về Triều Hồ và các thông tin báo chí về sự kiện Thành Nhà Hồ được công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Hệ thống tư liệu phần lớn là tư liệu Việt văn đương đại và Pháp văn, trong đó các tư liệu tiếng Pháp chủ yếu được in từ trước năm 1945.

Các tư liệu của các học giả người Pháp tuy không nhiều nhưng là những tư liệu, hình ảnh rất quý giá, có tính độc đáo đã được nhiều nhà nghiên cứu đương đại sử dụng trong quá trình nghiên cứu về Thành Nhà Hồ-Hồ Quý Ly-Triều Hồ.

Tiêu biểu như những bức ảnh chụp về Thành Nhà Hồ nhìn từ trên không trung (ấn bản của Hàng không quân sự Đông Dương); bức ảnh chụp về cửa trại trú ẩn của các thợ khai thác đá trong thời gian xây dựng Thành Nhà Hồ (ấn bản L.Begacier); cuốn sách La Province De Thanh Hoa của học giả Le Proton...

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, bộ sưu tập tư liệu về Thành Nhà Hồ-Hồ Quý Ly-Triều Hồ mà Thư viện tỉnh Thanh Hóa trưng bày, giới thiệu đã cơ bản thu thập, tập hợp được hệ thống tư liệu về Thành Nhà Hồ-Hồ Quý Ly-Triều Hồ.

Thông qua tổng quan các vấn đề nghiên cứu của hệ thống tư liệu giúp mọi người có thể thấy được những giá trị nổi bật toàn cầu của Thành Nhà Hồ ở các phương diện: giá trị về tư tưởng, giá trị về độc đáo kiến trúc và giá trị về tính toàn vẹn của di tích.

Cuộc triển lãm này sẽ góp phần tuyên truyền về di sản văn hóa Thành Nhà Hồ, về truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương, đất nước, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống lịch sử văn hóa của đất và người xứ Thanh; đồng thời góp phần cung cấp cho các nhà nghiên cứu và đông đảo bạn đọc một hệ thống tư liệu có tính chuyên đề, đáp ứng yêu cầu học tập, nghiên cứu những vấn đề liên quan đến di sản Thành Nhà Hồ nói riêng và lịch sử, văn hóa của xứ Thanh nói chung./.


Nguyễn Mai Hương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục