Triển lãm các sản phẩm sơn mài Việt Nam tại Bảo tàng Đà Nẵng

Hơn 100 sản phẩm, bộ sản phẩm sơn mài đặc sắc trưng bày tại triển lãm tại Bảo tàng Đà Nẵng góp phần bảo tồn, quảng bá thương hiệu, giá trị của sơn mài Việt Nam.
Một góc các sản phẩm trưng bày tại triển lãm sản phẩm sơn mài Việt Nam. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Ngày 28/11, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, các Hiệp hội làng nghề và các đơn vị, cá nhân liên quan tổ chức Lễ khai mạc triển lãm “Sản phẩm sơn mài Việt Nam.”

Triển lãm trưng bày, giới thiệu đến đến công chúng, bạn bè quốc tế hơn 100 sản phẩm, bộ sản phẩm sơn mài đặc sắc được Ban Tổ chức, Hội đồng nghệ thuật phối hợp tuyển chọn từ hơn 300 sản phẩm, bộ sản phẩm sơn mài của nhiều nghệ nhân, họa sỹ, các cơ sở, trong cả nước.

Các sản phẩm trưng bày tại triển lãm phong phú, đa dạng về hình thức, cách thức thể hiện và sử dụng các vật liệu truyền thống của nghề sơn như sơn then, sơn cánh gián làm chất kết dính, cùng các loại son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trứng, vỏ trai… có tính thẩm mỹ cao, thể hiện sự tỉ mỉ, tinh xảo của sơn mài Việt Nam.

Tại triển lãm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết đất nước ta có nhiều ngành nghề thủ công truyền thống lâu đời khác nhau như nghề đúc đồng, nghề nặn gốm, nghề đan mây tre, nghề sơn cổ truyền... với lịch sử phát triển huy hoàng, rực rỡ trong nhiều giai đoạn.

[Triển lãm trực tuyến giới thiệu các tuyệt tác tranh sơn mài Việt Nam]

Trải qua quá trình phát triển lâu dài, các nghề thủ công truyền thống đã thành một nét đặc trưng, một bộ phận không thể thiếu trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc Việt Nam.

Nghề sơn cổ truyền của Việt Nam được hình thành và phát triển từ thế kỷ 15-16, với kỹ thuật pha chế sơn bằng phương pháp thủ công, các phường thợ, nghệ nhân xưa đã tạo ra chất liệu màu có đặc tính độc đáo, quyến rũ như sơn then, sơn cánh gián làm chất kết dính, kết hợp với son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trai, sử dụng chế tác ra các sản phẩm mỹ nghệ như hoành phi, câu đối, bàn kỷ, ngai thờ, tô đắp tượng phật, sơn son thếp vàng các đồ dùng, kiệu võng…

Khách tham quan triển lãm sản phẩm sơn mài Việt Nam. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông từ khi Trường Mỹ thuật Đông Dương được thành lập, nhiều thế hệ giảng viên và sinh viên của trường đã tìm tòi phát hiện thêm các vật liệu màu khác từ vỏ trứng, vỏ ốc, cật tre…, đặc biệt dùng kỹ thuật mài đã tạo nên nghệ thuật sơn mài độc đáo, thuật ngữ sơn mài cũng xuất hiện từ đó.

“Trong bối cảnh xã hội còn thiếu thốn, khó khăn về mọi mặt, với sự cố gắng, tìm tòi thêm về chất liệu, màu sắc, kỹ thuật thể hiện, phương pháp biểu hiện, các họa sĩ, nghệ nhân trong ngành đã sáng tác, chế tác nhiều tác phẩm, sản phẩm đặc sắc có giá trị nghệ thuật cao được lưu lại đến hôm nay” - Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.

Triển lãm thu hút đông đảo người dân, du khách đến tham quan, thưởng lãm. Nhiều tác phẩm sơn mài được công chúng đánh giá cao như "Hai Bà Trưng," "Xích hổ tướng;" "Cá và hoa đào;" "Bạch Đằng giang"…

Triển lãm sản phẩm Sơn mài Việt Nam là hoạt động ý nghĩa, giới thiệu đến công chúng yêu nghệ thuật sơn mài trong nước và nước ngoài được tiếp cận, thưởng lãm, khuyến khích phát triển nguồn lực, tiếp tục phát huy sáng tạo góp phần bảo tồn, quảng bá thương hiệu, giá trị của sơn mài Việt Nam và xây dựng nền công nghiệp văn hóa.

Triển lãm “Sản phẩm sơn mài Việt Nam” mở cửa đến ngày 4/12 tại không gian Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục