Triển lãm ảnh, tư liệu về Hoàng Sa và Trường Sa tại Quảng Nam

Ngày 27/10, tại huyện Núi Thành, Bảo tàng tỉnh Quảng Nam đã khai mạc triển lãm “Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý.”
Triển lãm ảnh, tư liệu về Hoàng Sa và Trường Sa tại Quảng Nam ảnh 1Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu 'Hoàng Sa, Trường Sa - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý' tại Ninh Thuận. (Ảnh: Đức Ánh/TTXVN)

Ngày 27/10, tại huyện Núi Thành, Bảo tàng tỉnh Quảng Nam đã khai mạc triển lãm “Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý”

Ngay trong buổi khai mạc đã có hàng nghìn cán bộ, nhân dân, ngư dân và học sinh huyện Núi Thành đến tham quan.

Triển lãm trưng bày các văn bản do triều đình phong kiến Việt Nam ban hành từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, khẳng định Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó đáng chú ý là sưu tập gồm bộ Châu bản của triều Nguyễn, có niên đại từ triều Minh Mạng (1820-1841) đến triều Bảo Đại (1925-1945). Đây là Bộ sưu tập quan trọng do Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) sưu tập, nghiên cứu, tuyển chọn từ kho lưu trữ, cùng với những Châu bản do nhà nghiên cứu Phan Thuận An hiến tặng, đã biên dịch và công bố rộng rãi.

95 bản đồ và 4 cuốn atlats trưng bày tại triển lãm được tuyển chọn từ 260 bản đồ và các atlats liên quan đến vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là những sưu tầm của Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng và ông Trần Thắng - Việt kiều Mỹ sưu tầm, trao tặng cho Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng.

Những bản đồ, tư liệu này chứng tỏ từ thế kỷ XVI, các triều đại phong kiến Việt Nam đã khai phá, xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng việc cử người ra hai quần đảo này khai thác hải vật, đo đạc thủy trình, cắm mốc chủ quyền và lập bản đồ. Việc Việt Nam khai phá, xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường sa cũng được các nhà hàng hải, các nhà địa lý học, thương gia...phương Tây ghi nhận.

102 ấn phẩm xuất bản tại các nước phương Tây từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX trưng bày tại triển lãm có những thông tin liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ quyền của việt Nam đối với hai quần đảo này.

Đây là các công trình nghiên cứu, sách giáo khoa, từ điển bách khoa, tạp chí, hồi ký của các nhà hàng hải, thương gia, nhà truyền giáo Phương Tây... gồm: 19 ấn phẩm tiếng Anh, 15 ấn phẩm tiếng Đức, 46 ấn phẩm tiếng Pháp, 9 ấn phẩm tiếng Tây Ban Nha, 11 ấn phẩm tiếng Italy và hai ấn phẩm tiếng Hà Lan. Những ấn phẩm này đã được Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế-xã hội Đà Nẵng sưu tầm, tuyển chọn và biên dịch để công bố.

Triển lãm cũng trưng bày hình ảnh tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa thời thuộc Pháp và Việt Nam Cộng hòa; hình ảnh về các di tích, hình ảnh về những Hùng binh Hoàng Sa và lễ Khao lề thế lính ở đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi); hình ảnh về đời sống và sinh hoạt của quân và dân Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) hiện nay do Bộ Thông tin và Truyền thông sưu tầm; hình ảnh về các hoạt động sưu tầm, giữ gìn và trao tặng các tư liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Thừa Thiên Huế.

Những công trình nghiên cứu của các học giả Việt Nam và quốc tế xuất bản ở trong và ngoài nước từ trước đến nay nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục