Triển khai việc mở cửa trường học an toàn, bảo đảm phòng, chống dịch

Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo và Y tế thống nhất đảm bảo các điều kiện an toàn sức khỏe học sinh, an toàn học đường cho việc đi học trực tiếp; tập huấn cho hệ thống trường học các kỹ năng phòng dịch.
Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho người dân. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ 16 giờ 31/10 đến 16 giờ ngày 1/11, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 5.598 ca nhiễm mới, trong đó 3 ca nhập cảnh; 5.595 ca ghi nhận trong nước (tăng 91 ca so với ngày trước đó) tại 49 tỉnh, thành phố; có 2.321 ca trong cộng đồng.

Các tỉnh, thành phố ghi nhận nhiều ca bệnh nhất gồm: Thành phố Hồ Chí Minh (927 ca); Bình Dương (682 ca); Đồng Nai (657 ca); Kiên Giang (469 ca); Bạc Liêu (382 ca); An Giang (215 ca); Sóc Trăng (194 ca); Bình Thuận (167 ca); Đắk Lắk (164 ca); Tiền Giang (163 ca); Tây Ninh (157 ca); Cần Thơ (149 ca); Bà Rịa-Vũng Tàu (109 ca); Long An (100 ca)…

Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 923.451 ca nhiễm, trong đó có 822.065 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh; 22.135 ca tử vong.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.962 ca; trong đó, thở ô xy qua mặt nạ là 2.067 ca; thở ô xy dòng cao HFNC là 479 ca; thở máy không xâm lấn 109 ca; thở máy xâm lấn 293 ca; ECMO là 14 ca.

Tính toán nhu cầu về trang thiết bị y tế, sinh phẩm sát với tình hình

Chiều 1/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp về mua sắm trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19.

Trong năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung dự toán kinh phí cho Bộ Y tế để mua sắm vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch là 3.744,1 tỷ đồng. Đến nay, kinh phí đã sử dụng là 474,3 tỷ đồng, đạt 12,6%. Riêng trong đợt dịch thứ 4, Chính phủ đã bổ sung 3.427 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021 để mua vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm, hóa chất, thuốc phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có Bệnh viện Phổi Trung ương ký được một hợp đồng mua 400/1.120 chiếc máy thở chức năng cao với tổng trị giá hợp đồng là hơn 235,57 tỷ đồng theo hình thức chỉ định thầu.

[Ngày 1/11: Cả nước ghi nhận 5.598 ca mắc mới, 2.321 ca trong cộng đồng]

Báo cáo của Bộ Y tế cũng cho thấy đã tiếp nhận viện trợ, tài trợ 2.402 máy thở chức năng cao, 2.150 hệ thống oxy dòng cao HFNC, 106 máy xét nghiệm PCR, 67 máy tách chiết, 50 máy theo dõi nhịp tim, 1.785 máy tạo oxy, 621 Monitor theo dõi bệnh nhân, 200.000 máy đo độ bão hòa oxy trong máu, 1 hệ thống ECMO, 200 giường bệnh nhân, 110 bơm tiêm điện; 151 ôtô xét nghiệm lưu động, vận chuyển vaccine, tiêm chủng lưu động, 108 tủ lạnh âm sâu đựng vaccine... Do đó, mặc dù số lượng mua sắm từ nguồn ngân sách còn thấp, nhưng với các nguồn viện trợ, tài trợ đã góp phần quan trọng để thực hiện công tác bảo đảm hậu cần phòng, chống dịch.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh nguyên nhân cơ bản là do công tác tổ chức thực thi mua sắm chưa được thực hiện tốt, cả ở bộ và ở các địa phương, đồng thời yêu cầu, trong bối cảnh mới, khi chiến lược chống dịch đã thay đổi (theo Nghị quyết 128/NQ-CP), công tác chuyên môn, hậu cần phải điều chỉnh cho phù hợp. Căn cứ vào quy định mới, Bộ Y tế tính toán nhu cầu về trang thiết bị y tế, sinh phẩm,... phục vụ công tác phòng, chống dịch trong thời gian sắp tới, sát với tình hình, bảo đảm đáp ứng nhu cầu cả ở trung ương, địa phương, cả nhu cầu trước mắt và lâu dài.

Với kinh phí đã phân bổ cho Bộ Y tế và các bộ ngành, địa phương, Phó Thủ tướng giao cho Bộ Tài chính rà soát, cân đối, bảo đảm kinh phí được sử dụng tiết kiệm, chủ động, hiệu quả. Về việc tổ chức mua sắm, pháp luật đã quy định, mô hình thực tiễn cũng đã có, Bộ Y tế phải tổ chức, tính toán phương án mua sắm hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo đúng quy trình, công khai, minh bạch, rõ ràng.

Trong 10 ngày nữa, Bộ Y tế phải tổng hợp nhu cầu trang thiết bị, vật tư y tế theo đúng kịch bản phòng, chống dịch đã được phê duyệt và tổ chức mua sắm theo thẩm quyền, bảo đảm đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch trong tình hình mới.

Bảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, sinh viên khi trở lại trường

Chiều 1/11, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cùng Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì cuộc họp trao đổi một số nội dung liên quan đến việc tăng cường triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về đảm bảo các điều kiện an toàn sức khỏe học sinh, an toàn học đường khi trường học mở cửa trở lại.

Dán thêm các pano trực quan hướng dẫn phòng, chống COVID-19. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)

Hai Bộ trưởng đồng thời trao đổi, thống nhất một số nội dung nhằm tăng cường triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo các điều kiện an toàn sức khỏe học sinh, an toàn học đường cho việc đi học trực tiếp; tổ chức tập huấn cho hệ thống trường học các kỹ năng về dự phòng, quản lý, chăm sóc và phòng, chống dịch COVID-19.

Hai bên cũng nhất trí cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế nhằm triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe trong trường học khi học sinh, sinh viên trở lại trường, theo đúng tinh thần của Nghị quyết 128/NQ-CP. Đồng thời, thúc đẩy các địa phương ứng xử phù hợp với việc mở cửa trường học ở từng xã, phường tương đương với các cấp độ kiểm soát dịch bệnh.

Tính đến 17 giờ ngày 31/10, cả nước có 22 tỉnh, thành phố tổ chức cho học sinh học tập trực tiếp; 16 tỉnh, thành phố kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình; 25 địa phương còn lại vẫn phải dạy học trực tuyến và qua truyền hình.

Về việc triển khai tiêm vaccine cho học sinh từ 12-17 tuổi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục sẵn sàng phối hợp, lập danh sách, khảo sát lấy ý kiến đồng ý của phụ huynh học sinh và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức tiêm tại trường học. Hiện một số địa phương đã thực hiện tiêm vaccine cho học sinh như Thành phố Hồ Chí Minh với khoảng 305.000 học sinh, Bình Dương là 42.330 học sinh, Ninh Bình 32.938 học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có công văn gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc báo cáo tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo báo cáo tiến độ và kết quả triển khai hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục theo Công văn số 4726/BGDĐT-GDTC ngày 15/10/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và Ủy ban Nhân dân cấp quận, huyện tổ chức khảo sát, đánh giá tác động của dịch COVID-19 đối với ngành Giáo dục địa phương; đề xuất, kiến nghị các giải pháp khắc phục theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trước mắt, đề nghị các địa phương báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo về tác động tiêu cực của dịch COVID-19 và đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

Thành phố Hồ Chí Minh sơ kết công tác phòng, chống dịch

Tại Hội nghị sơ kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh do Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh (Quân khu 7) tổ chức chiều 1/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết thành phố đã trải qua đợt dịch lần thứ 4 hết sức cam go, khốc liệt, nhiều đau thương, mất mát, tác động tiêu cực lên đời sống xã hội, để lại di chứng nặng nề.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Xuân Tình/TTXVN)

Đến nay, thành phố đã tròn 1 tháng cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, đang từng bước trở lại "bình thường mới." Đây cũng khoảng thời gian kiểm điểm lại, sơ kết rút kinh nghiệm để tiếp tục sứ mệnh phục vụ nhân dân, trong đó có việc thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.

Theo Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, diễn biến dịch COVID-19 còn phức tạp, thành phố đang từng bước thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ một cách chắc chắn, thận trọng, không chủ quan. Vì thế, chính quyền, người dân cần hết sức bình tĩnh, tăng cường hoạt động kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát an toàn, nâng cao ý thức cao tuân thủ Thông điệp 5K của Bộ Y tế, hành động theo đúng kế hoạch, chiến lược đề ra, nếu không hậu quả sẽ không lường trước được.

“Phát huy những thành quả đã đạt được, trong thời gian tới, lãnh đạo thành phố yêu cầu Bộ Tư lệnh thành phố tiếp tục phối hợp với Sở Y tế, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng như các địa phương rà soát từng trường hợp không may đã mất vì dịch COVID-19 để chu đáo, kịp thời đưa tro cốt cho từng gia đình.

Cùng với đó, Bộ Tư lệnh thành phố tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền trong giai đoạn mới việc nâng cao ý thức của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân về bảo vệ sức khỏe của chính mình, của cộng đồng, không để người dân không quá lo sợ nhưng không quá chủ quan,” Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý.

Triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ

Ngày 1/11, theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh, sau 4 ngày triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 12-17 tuổi, hơn 445.000 trẻ ở Thành phố Hồ Chí Minh đã được tiêm.

Trước đó, thành phố triển khai tiêm vaccine mũi 1 từ ngày 28/10, riêng quận 1 và huyện Củ Chi triển khai tiêm từ ngày 27/10. Dự kiến, thành phố sẽ hoàn thành tiêm mũi 1 trong 5 ngày và tiêm vét trong 2 ngày. Thành phố Hồ Chí Minh thống kê có khoảng 780.000 trẻ trong độ tuổi từ 12 đến 17 tuổi trên địa bàn cần tiêm vaccine.

Ở đợt tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi lần này, thành phố chỉ triển khai tiêm cho các em đủ 12 tuổi và dưới 18 tuổi. Sau đợt tiêm, thành phố sẽ tiến hành rà soát lại để đảm bảo quyền lợi cho các em. Những em đang trong thời gian cách ly sẽ được xem xét tiêm lại khi kết thúc cách ly.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em. (Ảnh: Văn Hướng/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi trên địa bàn thành phố năm 2021-2022. Thành phố phấn đấu đạt mục tiêu trên 95% số trẻ từ 12-17 tuổi sống trên địa bàn được tiêm đủ mũi vaccine phòng COVID-19 theo từng đợt phân bổ vaccine của Bộ Y tế. Thời gian triển khai dự kiến trong quý 4/2021 đến hết quý 1/2022.

Việc triển khai tiêm được thực hiện cho lứa tuổi từ cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi), tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch của thành phố. Thành phố tổ chức tiêm vaccine cho trẻ theo chiến dịch tiêm chủng tại các cơ sở tiêm cố định, lưu động và theo Phương án số 170 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội. Địa điểm triển khai tại cộng đồng hoặc trường học tùy thuộc tình hình dịch và thời điểm học sinh quay lại trường học, tổ chức tiêm chủng theo hình thức tiêm chủng thường xuyên.

Cũng theo kế hoạch này, phạm vi triển khai phụ thuộc vào lượng vaccine được cung ứng và đề xuất của ngành Y tế. Cụ thể, khi nguồn vaccine chưa đủ, việc phân bổ số lượng vaccine cho các quận, huyện, thị xã được triển khai theo thứ tự ưu tiên gồm: Có ca F0 mới, mật độ dân cư cao, nhiều địa điểm thường tập trung đông người, nhiều ngành nghề dịch vụ, nhiều trường học, giáp ranh các tỉnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, cửa ngõ giao thông đi lại, có khu cách ly tập trung… khi có đủ vaccine. Việc tiêm chủng được tiến hành đồng loạt trên toàn thành phố.

Bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên khi quay lại trường học

Về việc cho học sinh quay lại trường học, ngày 1/11, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã phối hợp với Sở Y tế trao đổi vấn đề về chuyên môn, tham mưu cho Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và Công văn 4728 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hiện nay, ngành Giáo dục đang phối hợp Sở Y tế khẩn trương thực hiện việc tiêm vaccine cho học sinh trong độ tuổi 12-17 tuổi. Đến nay, việc tiêm chủng đã hoàn thành 50% kế hoạch. Khi thành phố triển khai học tập trung trở lại, các trường hợp học sinh chưa đủ 12 tuổi sẽ lập danh sách tại phường để được hỗ trợ. Học sinh chưa tiêm vì nhiều lý do như bệnh lý, chưa đủ tuổi... vẫn được tham gia học tập trung.

Ngày 1/11, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng ký ban hành văn bản số 3807 về việc cho học sinh trở lại trường học sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch COVID-19.

Cụ thể, từ ngày 8/11, ưu tiên cho học sinh các khối lớp 5, 6, 9, 10 và 12 của các trường học thuộc các xã, phường, thị trấn của 18 huyện và thị xã có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2, trong 14 ngày tính đến thời điểm ngày 8/11 không có các ca F0 trong cộng đồng được học trực tiếp tại trường. Các khối lớp còn lại học trực tuyến. Trẻ mầm non tiếp tục nghỉ học tại nhà.

Những trường có học sinh trên nhiều địa bàn khác nhau thì nhà trường phải xác định, nắm rõ thông tin của học sinh, cấp độ dịch và quy định cho đi học của địa phương nơi học sinh cư trú../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục