Chiều 22/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (138/CP) tổ chức hội nghị trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố nhằm kiểm điểm các mặt công tác sáu tháng đầu năm, thống nhất những vấn đề cần tập trung chỉ đạo những tháng cuối năm 2014.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo 138/CP Nguyễn Xuân Phúc; Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang nêu rõ sáu tháng đầu năm 2014, các lực lượng chức năng đã triển khai quyết liệt các biện pháp đấu tranh triệt phá các băng, nhóm tội phạm nguy hiểm; phòng, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng, ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm môi trường; đẩy mạnh công tác truy bắt, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú, đặc biệt là số đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, không để tội phạm lộng hành, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân ở các đô thị và nông thôn.
Đại tướng Trần Đại Quang nhận định tính chất bạo lực của tội phạm thời gian qua vẫn gia tăng, có xu hướng hình thành các băng, nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen,” một số loại tội phạm gia tăng như trộm cắp, cố ý gây thương tích, đánh bạc, mại dâm...
Các hành vi phạm tội trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, gây thất thoát lớn về tài sản nhưng tỷ lệ thu hồi tài sản thấp; yếu tố nước ngoài trong các vụ phạm tội gia tăng; thủ đoạn hoạt động rất tinh vi, có sự móc ngoặc giữa các đối tượng trong đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước với đối tượng ngoài xã hội.
Tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn ra ngày càng phức tạp hơn, hoạt động có tính chất xuyên quốc gia với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tống tiền qua Internet.
Tình hình tội phạm ma túy diễn biến phức tạp; phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gắn liền với tàng trữ, sử dụng "vũ khí nóng," sẵn sàng sử dụng vũ khí chống trả quyết liệt hoặc tự sát khi bị phát hiện, bắt giữ...
Theo Báo cáo được Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, trình bày tại hội nghị, sáu tháng vừa qua, kết quả công tác tấn công trấn áp tội phạm trên hầu hết các mặt đạt cao hơn cùng kỳ năm 2013, tỷ lệ điều tra khám phá án hình sự đạt yêu cầu đề ra (75,58% cao hơn 0,75% so với cùng kỳ năm 2013); hầu hết các loại án nghiêm trọng theo thống kê đều giảm; án kinh tế, tham nhũng phát hiện nhiều hơn. Kết quả công tác khởi tố điều tra, đề nghị truy tố tăng cao, hầu hết các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng được khẩn trương điều tra làm rõ.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương kiến nghị một số giải pháp nhằm thắt chặt quan hệ phối hợp giữa các ngành, đơn vị; đồng thời phân tích làm rõ xu hướng phát triển mới của tội phạm và thống nhất những biện pháp làm tốt công tác nắm tình hình, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.
Thay mặt Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao những thành tích của các bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng, chống tội phạm sáu tháng đầu năm 2014.
Đề cập đến những hạn chế, tồn tại cần rút kinh nghiệm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ công tác nắm tình hình, tham mưu và chỉ đạo giải quyết một số vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự chưa kịp thời, còn bị động, lúng túng. Điển hình như một số vụ việc gây rối, đập phá, trộm cắp, hủy hoại tài sản tại Bình Dương, Đồng Nai, Tp.Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh tháng Năm vừa qua.
Hiệu quả phòng ngừa tội phạm, nhất là tội phạm xã hội còn hạn chế, phạm pháp hình sự vẫn tăng 2.21%. Đặc biệt, tội phạm hoạt động theo băng, ổ nhóm, lưu động liên tuyến, liên tỉnh, xuyên quốc gia có chiều hướng gia tăng.
Toàn quốc hiện còn 615 băng nhóm tội phạm, hoạt động theo kiểu xã hội đen chưa được triệt phá. Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều nhất tại 18 địa bàn trọng điểm, song chế độ trách nhiệm còn chung chung, chưa cụ thể.
Cho rằng, tội phạm vẫn diễn biến đáng lo ngại, sự an toàn của người dân vẫn bị đe dọa, nhấn mạnh những nhiệm vụ trong thời gian tới của Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các lực lượng chức năng cần nhận thức sâu sắc hơn nữa trách nhiệm của mình trong công tác phòng, chống tội phạm.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị liên quan và các địa phương cần đánh giá lại mô hình tổ chức, nhiệm vụ của lực lượng phòng chống tội phạm theo hướng cải cách hành chính, tinh giảm gọn nhẹ nhưng hiệu quả; chú trọng công tác tuyên truyền pháp luật, phòng ngừa tội phạm, đặc biệt là phòng ngừa xã hội.
Phó Thủ tướng lưu ý cần tập trung chấn chỉnh công tác tiếp nhận và xử lý tin báo, tố giác tội phạm đảm bảo nhanh chóng, kịp thời; phấn đấu nâng tỷ lệ xử lý, tố giác, tin báo tội phạm trên 90%; tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm trên 71%, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội và không hình sự hóa những vụ việc dân sự; chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm.
Phó Thủ tướng mong muốn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội tiếp tục phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm; nâng cao vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc tuyên truyền pháp luật, giải quyết mâu thuẫn, cảm hóa giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng.
Nhấn mạnh đến vai trò chủ công của lực lượng Công an, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lực lượng Công an cả nước tập trung nắm chắc tình hình, điều tra cơ bản, sử dụng các biện pháp chuyên môn nghiệp vụ kịp thời, tổ chức quyết liệt các đợt cao điểm tấn công, truy quét tội phạm, kịp thời phát hiện những loại tội phạm mới, phương thức, thủ đoạn mới; kiên quyết không để tội phạm lộng hành; tập trung đấu tranh với các băng, ổ nhóm tội phạm “xã hội đen,” đâm thuê chém mướn, giữ gìn sự bình yên cho nhân dân, tạo môi trường đầu tư lành mạnh, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội của đất nước./.