Triển khai những sáng kiến đổi mới công tác quản lý và dịch vụ

Dự án Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam nhằm triển khai những sáng kiến đổi mới công tác quản lý và cung cấp dịch vụ trên toàn quốc.
 Bà Victorya Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng thế giới Việt Nam phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Ngày 7/8, tại Hà Nội, Dự án Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam (SASSP) chính thức được công bố với mục tiêu triển khai những sáng kiến đổi mới công tác quản lý và cung cấp dịch vụ trên toàn quốc, đồng thời thí điểm những sáng kiến này tại bốn tỉnh Hà Giang, Quảng Nam, Lâm Đồng, Trà Vinh.

Dự án là sản phẩm của hợp tác giữa Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Bộ Phát triển quốc tế Anh (DFID) và Ngân hàng thế giới (WB).

Nguồn tài trợ hơn 60 triệu USD cho dự án từ Hiệp hội phát triển quốc thế, nhóm cho vay của Ngân hàng thế giới cho những nước có mức thu nhập thấp.

Dự án được thực hiện từ 2014 đến 2019, nhằm xây dựng một hệ thống quản lý và triển khai hiện đại các chương trình trợ giúp xã hội, hướng đến việc bảo đảm mức sống tối thiểu cho mọi người dân; góp phần giảm nghèo bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020."

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các chính sách trợ giúp xã hội liên tục được bổ sung, tạo điều kiện để Việt Nam sớm hoàn thành nhiều chỉ tiêu Thiên niên kỷ, trong đó có chỉ tiêu về giảm nghèo.

Tuy nhiên, sự tồn tại đồng thời của nhiều chính sách trợ giúp xã hội đã tạo ra gánh nặng cho hệ thống quản lý, gây ra khó khăn cho đối tượng thụ hưởng, làm giảm hiệu quả của chính sách.

Hệ thống quản lý đang không theo kịp yêu cầu của tiến trình phát triển. Vì vậy, mục tiêu của dự án là xây dựng một hệ thống trợ giúp xã hội tích hợp, hiện đại tạo nền tảng vững chắc cho việc cung cấp trợ giúp xã hội lâu dài.

Dự án sẽ tích hợp các cơ sở dữ liệu hiện có về hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng trợ giúp xã hội thành một cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo nền tảng vững chắc cho cải thiện hiệu quả chi tiêu công trợ giúp xã hôi.

Tại bốn tỉnh thí điểm, dự án sẽ thử nghiệm một Chương trình hỗ trợ tăng cường và hợp nhất thông qua việc tích hợp các khoản trợ giúp tiền mặt từ các chính sách hiện hành, bổ sung một số đối tượng thuộc hộ gia đình nghèo thành một “gói trợ cấp gia đình” nhằm đảm bảo về lâu dài an ninh thu thập cho hộ nghèo. Chương trình được thực hiện thông qua các hệ thống quản lý và chi trả cải tiến.

Việt Nam đã thiết lập được một hệ thống trợ giúp xã hội bằng cả tiền mặt và hiện vật, tuy nhiên hệ thống này lại không hiệu quả để có thể giải quyết những thách thức về nghèo ngày nay của Việt Nam - Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam Victoria Kwakwa nhấn mạnh.

Bà hy vọng rằng dự án sẽ nhanh chóng được thực hiện, tạo được một hê thống cung cấp trợ giúp xã hội tốt hơn, đơn giản hơn, giúp giảm nghèo bền vững.

Dự án hỗ trợ mục tiêu giảm nghèo chung của Chính phủ thông qua việc nhấn mạnh tới vai trò của hệ thống trợ giúp xã hội tạo điều kiện cho trẻ em nghèo phát huy hết tiềm năng của mình và thoát khỏi nghèo truyền kiếp từ đời này sang đời khác.

Quyền trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Jesper Moller khẳng định UNICEF coi đây là một đầu từ kinh tế đúng đắn nhằm trang bị tốt hơn cho thể hệ trẻ em Việt Nam có thể giữ vững đà phát triển nhanh chóng của đất nước trong quá trình thay đổi về nhân khẩu học.

Tại bốn tỉnh thí điểm của dự án, các gia đình nghèo có trẻ em, phụ nữ mang thai sẽ nhận được các khoản trợ giúp và được tư vấn về kỹ năng làm cha mẹ; các cán bộ xã hội ở địa phương sẽ được hưởng lợi thông qua việc đơn giảm hóa các quy trình, giảm khối lượng công việc; các nhà quản lý chương trình tại Trung ương, địa phương sẽ được nâng cao năng lực giám sát việc thực hiện chương trình và năng lực hỗ trợ hoạch định chính sách.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục