Triển khai nhiều dự án nguồn và lưới cấp điện cho miền Nam

Sáu tháng cuối năm nay, Tổng công ty Điện lực miền Nam có kế hoạch khởi công 53 công trình lưới điện 110kV, nâng tổng số công trình khởi công trong năm 2017 lên 79 công trình.
Triển khai nhiều dự án nguồn và lưới cấp điện cho miền Nam ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Sáu tháng cuối năm nay, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) có kế hoạch khởi công 53 công trình lưới điện 110kV, nâng tổng số công trình khởi công trong năm 2017 lên 79 công trình.

Đồng thời EVNSPC hoàn thành đóng điện ít nhất 50 công trình lưới điện 110kV, nâng tổng số công trình hoàn thành trong năm lên 69 công trình, hoàn thành kế hoạch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao.

Ngay trong tháng Bảy này, Tổng công ty sẽ khởi công tám công trình và đóng điện 10 công trình, gồm Trạm 220kV Long Xuyên 2; Phục hồi khoảng vượt sông Tiền đường dây 110kV Cao Lãnh 2-Thạnh Hưng; các Trạm 110kV Sông Bình; Sông Đốc, Long Đức, Châu Thành 2; Đường dây 110kV cấp điện cho Khu công nghiệp Long Giang; Cải tạo các trạm biến áp 110kV Gò Đậu, Bến Tre và Rạch Giá.

EVNSPC cho biết Tổng công ty đã hoàn tất giai đoạn 1 Dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào Khmer tại tỉnh Kiên Giang để cấp điện cho gần 9.000 hộ dân, với tổng số vốn ngân sách Nhà nước cấp gần 107,9 tỷ đồng.

Riêng giai đoạn 2, cấp điện cho khoảng 6.131 hộ dân, với tổng mức đầu tư 86 tỷ đồng, Tổng công ty đã hoàn thành phần vốn ngân sách cấp năm 2016 (20 tỷ đồng) và đang thực hiện phần vốn ngân sách cấp năm 2017 là 15,42 tỷ đồng. Dự án hiện đang tổ chức đấu thầu xây lắp và thiết bị, dự kiến triển khai trong quý 3 này và hoàn thành trong quý 4/2017.

Đối với Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2016-2020 thuộc Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo theo Quyết định số 2081/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2016, Ngân sách Nhà nước đã cấp 40 tỷ đồng cho hai Dự án trên địa bàn hai tỉnh Hậu Giang và Cà Mau. Tổng công ty đã hoàn tất trong năm để cấp điện đến 1.807 hộ của tỉnh Hậu Giang và 1.511 hộ của tỉnh Cà Mau.

Hiện EVNSPC đang tiếp tục thực hiện phần vốn ngân sách Nhà nước cấp trong năm nay, mỗi tỉnh 15 tỷ đồng trên địa bàn hai tỉnh Cà Mau và Hậu Giang. Đồng thời đang trình Bộ Công Thương phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công-dự toán và trình lại EVN kế hoạch lựa chọn nhà thầu, Báo cáo nghiên cứu khả thi trung hạn giai đoạn 2017-2020 theo yêu cầu của Tập đoàn. Dự kiến trong quý 3/2017 sẽ khởi công tiếp dự án để hoàn thành vào cuối năm.

Về Dự án Hỗ trợ phát triển chính sách cải cách ngành điện giai đoạn 3 (DPL3) vay vốn WB, có tổng mức đầu tư 921 tỷ đồng với khối lượng đầu tư 695km đường dây trung thế, 609km đường dây hạ thế và trạm biến áp phân phối với tổng dung lượng 115,8MVA.

Hiện Tổng công ty đã đóng điện đưa vào vận hành bốn hạng mục công trình cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh và một hạng mục công trình cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện phục vụ chong đèn cho cây thanh long tỉnh Long An.

Riêng ba hạng mục công trình cải tạo phát triển nguồn và lưới điện trên địa bàn huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, Tổng công ty đã tổ chức đấu thấu và phấn đấu hoàn thành đưa vào vận hành trong năm 2017.

Đối với Dự án phát triển lưới lưới điện truyền tải và phân phối lần 2 - vay vốn JICA với tổng mức đầu tư dự kiến là 1.096 tỷ đồng, khối lượng gồm xây dựng 2 trạm 220 kV là Cần Đước và Sa Đéc; 13 tiểu dự án lưới điện 110kV và ba công trình lưới điện phân phối.

Đến thời điểm này, các đơn vị thi công đang thi công trạm 110kV Khu công nghiệp Sa Đéc, riêng trạm 220kV Cần Đước vẫn chưa thi công được phần trạm do vướng mặt bằng thi công. Tổng công ty phấn đấu đưa dự án vào vận hành vào quý 4/2017 theo tiến độ Tập đoàn giao.

Bên cạnh đó, đã đóng điện một công trình và đang thi công tám công trình lưới điện 110kV để đưa vào vận hành trong năm 2017. Ngoài ra, Tổng cục Năng lượng đang thẩm định thiết kế bản vẽ thi công-dự toán lưới điện phân phối. Dự kiến Tổng công ty sẽ khởi công trong quý 3/2017 vào hoàn thành đóng điện vào quý 4/2017.

Về Dự án Giảm cường độ phát thải trong cung cấp năng lượng điện vay vốn Ngân hàng tái thiết Đức (KfW2) với tổng mức đầu tư 1.021 tỷ đồng hiện đã hoàn thành đóng điện ba công trình, 10 công trình còn lại đang thực hiện để hoàn thành trong năm 2017.

Riêng đối với Dự án Cải tạo nâng cấp lưới điện phân phối tại các thành phố vừa và nhỏ vay vốn KfW 3.1, bao gồm bảy công trình lưới điện 110kV và 12 tiểu dự án lưới điện phân phối với tổng mức đầu tư dự kiến 4.157 tỷ đồng, theo EVNSPC, trong quý 3/2017 sẽ khởi công các công trình lưới 110kV để kịp hoàn thành vào năm 2018.

Còn đối với lưới điện phân phối, các Công ty Điện lực trong EVNSPC đang hoàn thiện thiết kế bản vẽ thi công để trình Tổng công ty và dự kiến triển khai thi công trong năm 2017.

[Chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN sẽ được công khai hằng năm]

Ngoài ra, EVNSPC cũng đang triển khai Dự án Hỗ trợ phát triển chính sách cải cách ngành điện giai đoạn 4 (DPL4) vay vốn WB với tổng mức đầu tư dự kiến 6.423 tỷ đồng; trong đó vốn vay từ chương trình DPL4 là 4.503 tỷ đồng.

Dự án này gồm các dự án thành phần như công trình Đường dây 220kV mạch 2 cấp điện cho huyện đảo Phú Quốc; 11 danh mục công trình lưới điện 110kV nhằm tạo liên kết mạch vòng giữa các trạm và cung cấp điện ổn định cho các khu công nghiệp, khu vực có phụ tải quan trọng với khối lượng đầu tư 60km đường dây và bảy trạm biến áp, tổng dung lượng 372MVA. Bên cạnh đó là 37 danh mục tiểu dự án cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện trung thế nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khu vực thành phố, thị xã, trung tâm huyện và các khu vực có phụ tải quan trọng.

Hiện nay, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã trình Bộ Công Thương hồ sơ Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư của dự án, đồng thời Tổng công ty cũng đã giao cho các đơn vị lập hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi cho các dự án thành phần và đang chờ nguồn vốn để tiến hành triển khai trình duyệt các hồ sơ và tổ chức thực hiện.

Đối với dự án Đường dây 220kV Kiên Bình-Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang để đảm bảo cấp điện ổn định cho huyện đảo Phú Quốc, Tổng công ty đã đầu tư đường dây thứ 2 cấp điện từ đất liền ra huyện đảo dài 73km. Tổng công ty cũng phối hợp cùng với tỉnh, các Bộ ngành và EVN khảo sát thống nhất hướng tuyến. Phía Tư vấn đang tiến hành lập Báo cáo nghiên cứu khả thi để hoàn thành trong quý 3/2017 và dự kiến triển khai vào cuối năm nay.

Trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư, EVNSPC cho biết cũng gặp nhiều vướng mắc. Đơn cử như công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ngày càng gặp nhiều khó khăn vì dân không đồng ý giá bồi thường do tỉnh duyệt nên nhiều công trình bị cản trở thi công. Đặc biệt, đối với công trình trạm 220kV Cần Đước đến nay vẫn chưa khởi công được là do nguyên nhân này.

Trong khi việc phê duyệt thủ tục đầu tư theo Luật Đầu tư công vẫn còn chậm chưa đáp ứng kịp tiến độ yêu cầu thì thông thường các tháng đầu năm Tổng công ty trình duyệt các thủ tục chuẩn bị đầu tư cho các công trình mới và tập trung giải ngân phần khối lượng hoàn thành của năm trước nên phần khối lượng thực hiện trong 6 tháng đầu năm chưa cao. Vì vậy từ tháng Bảy trở đi, Tổng công ty sẽ tập trung thực hiện và nghiệm thu phần khối lượng hoàn thành của năm hiện tại để đảm bảo hoàn thành kế hoạch Tập đoàn giao.

Một vướng mắc nữa là nguồn vốn đầu tư ngày càng gặp khó khăn và nhu cầu đầu tư khá nhiều trong khi nguồn vốn được vay có giới hạn. Hiện nay, còn nhiều dự án chưa có vốn để triển khai thực hiện như: Đầu tư cấp điện cho vùng nuôi tôm công nghiệp, đầu tư cấp điện cho vùng lõm chưa có điện...

Bên cạnh đó, nhiều hạng mục công trình cấp bách chưa được Chính phủ cấp vốn hiện đang nằm trong dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2016-2020 thuộc Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo theo Quyết định số 2081/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Mặt khác, Hiệp định vay lại nguồn vốn ODA chậm cũng ảnh hưởng đến khả năng giải ngân cho các dự án (JICA và KFW3). Hiện Tổng công ty đã tạm ứng cho dự án JICA khoảng 36 tỷ đồng.

Đây là những nguyên nhân và vướng mắc cơ bản làm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án đầu tư của EVNSPC trong những năm tới, đặc biệt ảnh hưởng đến việc đảm bảo cấp điện trên địa bàn các tỉnh miền Nam đến năm 2020, nhất là các khu vực trọng điểm như Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh và Bà Rịa-Vũng Tàu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục