Triển khai mục tiêu phát triển dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020

Sau 30 năm Việt Nam đã bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình, trong đó vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự phát triển ấn tượng.
Cán bộ Sở Tư Pháp hướng dẫn người dân xã Cư Pui, huyện Krông Bông, Đắk Lắk tìm hiểu các văn bản pháp lý. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Ngày 9/12, tại Hà Nội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ, Liên hợp quốc tại Việt Nam, Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam đồng tổ chức Diễn đàn phát triển dân tộc thiểu số với chủ đề “Triển khai các Mục tiêu phát triển dân tộc thiểu số trong các Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020.”

Phát biểu tại diễn đàn, ông Danh Út, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, cho biết từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, sau 30 năm Việt Nam đã bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình, trong đó vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự phát triển ấn tượng, nhiều chủ trương, chính sách lớn về xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội đối với miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện khá tốt, đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được nâng lên.

Điều đó thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, sự chia sẻ của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế đối với việc chăm lo và tham gia vào sự phát triển kinh tế-xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, được ghi nhận rộng rãi không chỉ trong phạm vi quốc gia, mà còn được đánh giá cao bởi cộng đồng quốc tế.

Ông Sơn Phước Hoan, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, nhấn mạnh Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 10/9/2015 phê duyệt một số chỉ tiêu thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số gắn với Mục tiêu Phát triển bền vững sau năm 2015.

Quyết định được ban hành đã thể chế hóa các mục tiêu phấn đấu, tạo cơ chế theo dõi, đánh giá và tăng hiệu quả phối hợp tốt hơn các nguồn lực thực hiện các chương trình và chiến lược quốc gia hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của quốc gia sau năm 2015 và Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2012-2020, cũng như triển khai nhanh, hiệu quả hơn Chiến lược Công tác Dân tộc giai đoạn 2011-2020.

Quyết định này một lần nữa thể hiện sự quyết tâm cao độ, cũng như cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện thành công các mục tiêu thiên niên kỷ, mở ra một mức độ kỳ vọng mới và quan trọng là sự cam kết không để ai bị bỏ lại phía sau.

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam chúc mừng Chính phủ và Nhân dân Việt Nam với những tiến bộ mang tính chuyển biến căn bản mà Việt Nam đã đạt được trong một khoảng thời gian rất ngắn để hoàn thành hầu hết Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ. Điều này đã phản ánh những tiến bộ to lớn mà Việt Nam đạt được trong giai đoạn Đổi Mới và phần lớn dựa trên mô hình tăng trưởng có lợi cho người nghèo, cũng như đảm bảo sự tiếp cận công bằng đối với các dịch vụ công.

Đại sứ Ireland tại Việt Nam Cait Moran cho biết chương trình hợp tác phát triển của Ireland tại Việt Nam tập trung vào giảm nghèo cho người dân tộc thiểu số và là một ưu tiên quan trọng, là trung tâm của chương trình hợp tác phát triển với Chính phủ Việt Nam.

Nhân dịp này, các đối tác trong Nhóm Công tác về giảm nghèo dân tộc thiểu số đã đưa ra các khuyến nghị lồng ghép các Mục tiêu phát triển dân tộc thiểu số vào Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020. Khi mở rộng các cơ hội việc làm, các địa phương phải tăng cường năng lực của người dân tộc thiểu số để giúp họ tận dụng tối đa các cơ hội mới đem lại.

Chính phủ duy trì vai trò chủ đạo trong việc cung ứng các dịch vụ công, đặc biệt là các dịch vụ xã hội cơ bản ở các vùng khó tiếp cận dịch vụ, cũng như đối với nhóm dân tộc thiểu số. Các địa phương lồng ghép vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nguy cơ thiên tai và bảo vệ môi trường bền vững vào trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và các chính sách phát triển dân tộc thiểu số; nâng cao hiệu quả quản trị và sự tham gia của người dân để tăng cường thực thi hiệu quả của chính sách; mở rộng quan hệ đối tác để thúc đẩy tiến độ phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục