Triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam về giáo dục nghề nghiệp

Tổ chức thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp một cách đồng bộ và hiệu quả, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục.
Giảng dạy cho học viên tại Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở cụ thể hóa nội dung, hoạt động chuyên môn cần triển khai để phân loại, chuẩn hóa năng lực, khối lượng học tập tối thiểu và văn bằng, chứng chỉ phù hợp đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp.

Đó là nội dung của Kế hoạch triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025 đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký ban hành tại Quyết định 1232/QĐ-TTg.

Yêu cầu của Kế hoạch là xác định nội dung, nhiệm vụ cụ thể để các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (các bộ, ngành, địa phương) tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp một cách đồng bộ và hiệu quả, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục và các quy định pháp luật.

Một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Kế hoạch là xây dựng và ban hành các văn bản, tài liệu để triển khai thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp.

Cụ thể, Kế hoạch nêu rõ: Từ quý 2/2021 đến quý 4/2022, xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy định, tài liệu hướng dẫn về chuẩn đầu ra và khối lượng học tập tối thiểu theo tín chỉ cho các trình độ giáo dục nghề nghiệp.

[7 đại học kỹ thuật hàng đầu “bắt tay” chuẩn hóa đào tạo kỹ sư]

Từ quý 3/2021 đến quý 2/2022: Xây dựng và ban hành hệ thống các văn bản chỉ đạo, tài liệu hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rà soát, điều chỉnh cấu trúc, nội dung, phương pháp thực hiện chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra và quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp bảo đảm phù hợp với yêu cầu của người sử dụng lao động.

Từ quý 1/2022 đến quý 4/2022: Nghiên cứu hoàn thiện các quy định về bảo đảm chất lượng các trình độ giáo dục nghề nghiệp, bao gồm cả chất lượng đào tạo từ xa, trực tuyến và chỉnh sửa, bổ sung các tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp,

Từ quý 4/2021 đến quý 4/2023: Nghiên cứu xây dựng quan hệ giữa tiêu chuẩn năng lực nghề nghiệp, tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia với các trình độ đào tạo theo khung trình độ quốc gia.

Từ quý 3/2021 đến quý 3/2025: Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu khác là triển khai, cập nhật, phát triển chương trình đào tạo nghề nghiệp theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam, trong đó, tiếp tục hướng dẫn, xây dựng chuẩn đầu ra cho các ngành nghề của các trình độ giáo dục nghề nghiệp bảo đảm theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và các hướng dẫn.

Từ quý 1/2022 đến quý 4/2023: Hướng dẫn điều chỉnh cấu trúc, nội dung, phương pháp thực hiện chương trình đào tạo, biên soạn chi tiết các mô đun, môn học, học phần, giáo trình, kế hoạch đào tạo trên cơ sở chương trình đào tạo đã được cập nhật, phát triển bảo đảm theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và theo các hướng dẫn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Từ quý 4/2021 đến quý 4/2025: Thực hiện các nội dung, hoạt động trong tiến trình tham chiếu Khung trình độ quốc gia Việt Nam (đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp) với Khung tham chiếu trình độ ASEAN và các khung trình độ quốc gia khác, trong đó, thực hiện việc công nhận lẫn nhau về trình độ và kỹ năng giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực ASEAN./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục