Triển khai hiệu quả lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình

Từ đầu năm 2022, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã chủ động tuyển chọn cán bộ đảm bảo năng lực, trình độ quân sự, kiến thức gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, trình độ ngoại ngữ và sức khỏe.
Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn trao quyết định cho 4 sỹ quan và chúc mừng 4 sỹ quan đã hoàn thành nhiệm vụ. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Mới đây, Bộ Quốc phòng tổ chức buổi trao quyết định của Chủ tịch nước cho 4 sỹ quan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi.

Để làm tốt công tác chuẩn bị lực lượng thay thế các quân nhân thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ ở Cộng hòa Trung Phi, từ đầu năm 2022, Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam đã chủ động tuyển chọn cán bộ đảm bảo năng lực, trình độ quân sự, kiến thức gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, trình độ ngoại ngữ và sức khỏe.

Bốn sỹ quan nhận quyết định, lên đường thực hiện nhiệm vụ lần này gồm: Trung tá Phạm Quang Thiều, Trợ lý Phòng Tham mưu Kế hoạch được cử đi làm nhiệm vụ Sỹ quan Tham mưu Tác chiến kiêm Chỉ huy Trưởng các lực lượng Việt Nam tại Phái bộ Cộng hòa Trung Phi thay thế Trung tá Bùi Thanh Văn.

Thiếu tá Nguyễn Văn Hiển, Trợ lý Phòng Tham mưu Kế hoạch được cử đi làm nhiệm vụ Sỹ quan Tham mưu Tình báo thay thế Thiếu tá Lê Vinh Hoàng.

Thiếu tá Vũ Đức Nhiên, Trợ lý Phòng Công tác Địa bàn được cử đi làm nhiệm vụ Sỹ quan Tham mưu Tình báo thay thế Thiếu tá Nguyễn Huy Hùng.

Thượng úy Phạm Tiến Long, Trợ lý Phòng Công tác địa bàn được cử đi làm nhiệm vụ Sỹ quan Tham mưu Trang bị thay thế Thiếu tá Nguyễn Thành Trung.

[Đoàn kết, quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình]

Để chuẩn bị kỹ càng cho các sỹ quan chuẩn bị lên đường thực hiện nghĩa vụ quốc tế, Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam đã tổ chức huấn luyện các khóa học quan Tham mưu Liên hợp quốc, Quan sát viên quân sự Liên hợp quốc, huấn luyện tiền triển khai; một số cá nhân được cử tham gia các khóa tập huấn tại nước ngoài.

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam thuộc Bộ Quốc phòng cho biết đợt này, việc triển khai 4 sỹ quan đến phái bộ Cộng hòa Trung Phi có một số thuận lợi và khó khăn. Về thuận lợi, công tác triển khai lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc thường xuyên được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị và sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan liên quan.

Bên cạnh đó, lực lượng Việt Nam tại các phái bộ nói chung và tại Cộng hòa Trung Phi nói riêng đã và đang tạo được những hình ảnh ấn tượng đối với Chỉ huy phái bộ và các đồng nghiệp quốc tế. Hiện đang có lực lượng Việt Nam ở phái bộ Cộng hòa Trung Phi mà các sỹ quan lần này chuẩn bị triển khai tới, do đó các sỹ quan mới sang nhận nhiệm vụ sẽ có được sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của đồng đội tại địa bàn.

Trong 4 sỹ quan triển khai đợt này, có cán bộ đã nhiều lần đi thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ gìn giữ hòa bình nên thuận tiện hơn trong quá trình chia sẻ kinh nghiệm với các đồng đội.

Thiếu tá Vũ Thế Anh (bên trái) tại phái bộ Nam Sudan.

Tuy nhiên, tình hình an ninh tại địa bàn vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ an ninh khó lường, tồn tại các rủi ro về an ninh, an toàn. Ngoài ra, điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, nhiều loại bệnh dịch nguy hiểm, nhất là dịch sốt rét, dịch tả, Ebola... tại nơi phái bộ đóng quân cũng là thách thức không nhỏ đối với các quân nhân Việt Nam.

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng nhấn mạnh mặc dù vẫn còn những khó khăn khi các sỹ quan đi làm nhiệm vụ tại địa bàn, tuy nhiên, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam tin tưởng, với sự quan tâm, chỉ đạo của thủ trưởng các cấp, sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là quyết tâm, sự nỗ lực khắc phục khó khăn của người lính "Bộ đội Cụ Hồ," với những kiến thức đã được trang bị, các sỹ quan triển khai lần này sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Quân đội, Liên hợp quốc giao.

Đến nay, Bộ Quốc phòng đã cử 516 lượt cán bộ, nhân viên tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại 3 phái bộ và Trụ sở Liên hợp quốc.

Theo đánh giá của các phái bộ và cơ quan Liên hợp quốc, các sỹ quan Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các phái bộ, thể hiện sự chuyên nghiệp, kỷ luật cao; có nhiều sáng tạo, dám nghĩ-dám làm; để lại nhiều ấn tượng tốt với lãnh đạo phái bộ, chỉ huy lực lượng quân sự, đồng nghiệp quốc tế và người dân nước sở tại.

Bằng những đóng góp cụ thể, thiết thực, mang tính nhân văn cao, có sỹ quan được Liên hợp quốc đề nghị kéo dài thời gian công tác từ 6 tháng đến 1 năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục