Triển khai hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi

Phần mềm do VNPT xây dựng được triển khai thí điểm tại 7 tỉnh, thành và 269 nhà máy thức ăn chăn nuôi; cấp 600 tài khoản để cập nhật cơ sở dữ liệu đến nhà máy, cán bộ chăn nuôi, doanh nghiệp...
Triển khai hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi ảnh 1Trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng của gia đình anh Nguyễn Văn Vĩ, thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. (Ảnh Vũ Sinh/TTXVN)

Sáng 17/6, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức lễ triển khai Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã lựa chọn 2 lĩnh vực là chăn nuôi và trồng trọt được coi là lĩnh vực tiên phong về chuyển đổi số.

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu chăn nuôi là bước đi đầu tiên và là yêu cầu cấp thiết để phục vụ trong quản lý chăn nuôi theo Luật Chăn nuôi.

Để triển khai cơ sở dữ liệu chăn nuôi, thời gian qua, Cục Chăn nuôi đã phối hợp với Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) xây dựng, thí điểm phần mềm làm công cụ thu thập, cập nhật, khai báo, hình thành nên cơ sở dữ liệu về thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi.

Đến nay, phần mềm đã được triển khai thí điểm tại 7 tỉnh, thành phố và 269 nhà máy thức ăn chăn nuôi trên cả nước; đã cấp 600 tài khoản để cập nhật cơ sở dữ liệu đến các nhà máy, cán bộ chăn nuôi thú y cấp xã và các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lớn…

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, hệ thống cơ sở dữ liệu chăn nuôi là cơ sở quan trọng cho việc nâng cao năng lực quản lý, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức phát triển chăn nuôi theo định hướng, tín hiệu, nhu cầu của thị trường; đồng thời kiểm soát chặt chẽ chất lượng, an toàn thực phẩm chăn nuôi nhằm nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi Việt Nam.

Cơ sở dữ liệu chăn nuôi là nền tảng giúp kết nối, chia sẻ thông tin chủ động hai chiều giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp chăn nuôi và người chăn nuôi. Hệ thống sẽ giúp cập nhật chính xác, kịp thời thông tin về cơ sở chăn nuôi, tổng đàn vật nuôi, sản lượng sản phẩm chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

[Phú Yên khánh thành trang trại chăn nuôi lợn giống công nghệ cao]

Đối với các doanh nghiệp, đây chính là cơ hội để cập nhật thông tin thị trường và giới thiệu sản phẩm, kết nối, hợp tác với khách hàng. Với người chăn nuôi sẽ có cơ hội nắm bắt thông tin thị trường đầu ra, thông tin về chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi, giá bán, dịch vụ cung ứng vật tư, thông tin về dịch bệnh để đưa ra quyết định phù hợp. Ngoài ra, hệ thống cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi cũng sẽ tích hợp các sàn thương mại điện tử Voso, Postmart…

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đánh giá, sự ra đời của Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi sẽ tạo nền móng cho quá trình chuyển đổi số của ngành nông nghiệp. Đây sẽ là cơ sở sẽ góp phần thiết thực trong phát triển ngành chăn nuôi, đẩy mạnh xuất khẩu, thực hiện thành công Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ và tích cực hơn nữa để triển khai thành công cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi nói riêng và các lĩnh vực khác trong ngành nông nghiệp, nông thôn, góp phần xây dựng thành công Chính phủ số, kinh tế nông nghiệp số và nông thôn số, nông dân số.

Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1520/QĐ-TTg đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025, mức tăng trưởng giá trị sản xuất trung bình từ 4-5%/năm. Sản lượng thịt xẻ các loại đạt từ 5-5,5 triệu tấn, trong đó thịt lợn từ 63-65%, thịt gia cầm từ 26-28%, thịt gia súc ăn cỏ từ 8-10%. Sản lượng trứng đạt từ 18-19 tỷ quả, sữa từ 1,7-1,8 triệu tấn…

Việc chuyển đổi số ngành chăn nuôi sẽ góp phần nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển chăn nuôi một cách toàn diện, hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với phát triển các chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh, môi trường; giúp các trang trại, hộ chăn nuôi theo hướng chuyên nghiệp; các sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm của tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục