Triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực Trung Bộ

Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, người dân nên hết sức cảnh giác, quan sát kỹ các hiện tượng biến động lạ về địa chất, nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có lũ quét.
Triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực Trung Bộ ảnh 1(Ảnh minh họa: TTXVN phát)

Ngày 30/9, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục triển khai công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ; theo dõi chặt chẽ lưu lượng đến các hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước để chủ động vận hành điều tiết đảm bảo an toàn công trình và hạ du.

Tỉnh Nghệ An khẩn trương ổn định dân cư, khôi phục sản xuất, vệ sinh môi trường, đảm bảo đời sống và an toàn dịch COVID-19 tại các khu vực chịu ảnh hưởng của mưa lũ.

Các địa phương tổ chức trực ban phòng, chống thiên tai 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, lúc 14 giờ ngày 29/9 trên địa bàn Phường 7, thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) có mưa (lượng mưa từ 13-15 giờ khoảng 30mm) làm đổ tường kè đá mới dân tự xây đè vào lán tạm dưới chân kè gây tai nạn làm 4 người đang trú mưa tại lán tạm bị thương vong, trong đó có 2 người chết là Nguyễn Thị Đài Trang (1991), Trần Thị Bích Huyền (2003) và 2 người bị thương là Khổng Minh Phước (1990); Nguyễn Văn Cang (1999) .

[Nghệ An: Tiếp tế thực phẩm cho người dân bị cô lập trong vùng ngập lụt]

Ngay sau khi nhận được thông tin, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng cứu hộ tại hiện trường, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị thiệt mạng và tổ chức khắc phục hậu quả.

Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, người dân nên hết sức cảnh giác, quan sát kỹ các hiện tượng biến động lạ về địa chất, nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét.

Các địa phương trong vùng ảnh hưởng mưa lũ cần kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn ở vùng núi, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét.

Các địa phương sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn; rà soát, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi mưa lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục