'Triển khai công nghệ phòng, chống COVID-19 phải có sự thống nhất'

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh những nỗ lực triển khai công nghệ phòng, chống COVID-19 sẽ không bao giờ là uổng phí.
'Triển khai công nghệ phòng, chống COVID-19 phải có sự thống nhất' ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Chiều 3/8, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến kinh nghiệm triển khai các nền tảng công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đã trao đổi một số thông tin liên quan đến việc Trung tâm công nghệ quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 triển khai các giải pháp công nghệ quốc gia phục vụ chống dịch.

Cùng với đó, đại diện các Sở Thông tin và Truyền thông của Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai công nghệ thông tin trong chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, kinh nghiệm triển khai nền tảng hỗ trợ xét nghiệm, nền tảng truy vết tiếp xúc gần, sử dụng mã QR code trong khai báo y tế.

Ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch

Trong chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đợt 5 từ 3/7/2021, Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng hệ thống đăng ký tiêm trực tuyến dành cho các đối tượng ưu tiên. Thành phố đã chuyển dữ liệu đăng ký của thành phố vào hệ thống quản lý tiêm chủng quốc gia.

Thành phố cũng triển khai ứng dụng tại thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện bằng việc lập kế hoạch tiêm, nhắn tin mời tiêm, nhập kết quả tiêm. Song song với đó, thành phố cũng bổ sung phương án nhắn tin mời tiêm từ Cổng 1022.

Người đi tiêm sẽ nhận được tin nhắn từ Sở Y tế mời đi tiêm với khung giờ và địa chỉ rõ ràng. Trong tin nhắn sẽ nhắc người đi tiêm khai báo y tế điện tử trước khi đến điểm tiêm trong vòng 24 giờ kèm đường link sẵn để khai báo.

'Triển khai công nghệ phòng, chống COVID-19 phải có sự thống nhất' ảnh 2Tiêm vaccine phòng COVID-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Đặc biệt, thành phố đã nhanh chóng ứng dụng phần mềm quản lý tiêm chủng rộng rãi. Các thông tin về sàng lọc, tiêm chủng của từng người đến tiêm sẽ được cập nhật trên ứng dụng.

[Tỷ lệ phân bổ vaccine cho Thành phố Hồ Chí Minh cao nhất cả nước]

Người dùng sẽ tải ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” vào thiết bị di động hoặc khai trên website. Thông qua ứng dụng, đối tượng có thể tự cập nhật phản ứng sau tiêm trong 72 giờ tiếp theo, xem kết quả tiêm và làm tiền đề cho hộ chiếu vaccine về sau.

Tính đến ngày 2/8/2021, thành phố Hồ Chí Minh đã có thêm 930.239 người được tiêm trong đợt này.

Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đưa ra các phương án để phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc ứng dụng công nghệ trong tiêm chủng mở rộng lần này hướng đến mục tiêu 70% người dân tại thành phố sẽ được tiêm chủng.

Cùng với đó, Sở cũng sẽ lập danh sách tiêm trên Cổng Tiêm chủng quốc gia và ứng dụng Sổ Sức khoẻ điện tử của Bộ Y tế; Sử dụng dữ liệu dịch bệnh để tham mưu cho Thành phố các điểm "nóng," đối tượng cần phải triển khai tiêm chủng nhanh.

Với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, việc áp dụng nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quá xét nghiệm đã có những thành công ban đầu đáng ghi nhận.

Cụ thể, với việc nhập liệu một lần thông qua quét mã QR code hoặc nhập trực tiếp, nền tảng đã giúp tiết kiệm 50% thời gian lấy mẫu xét nghiệm giúp tăng tốc truy vết, khoanh vùng. Nền tảng này cũng thuận tiện khi sử dụng trên cả app mobile và website với chỉ một người quản lý thay vì hai người như trước. Dữ liệu, tổng hợp theo dõi theo thời gian thực; Sử dụng cho nhiều hệ thống qua kết nối API hoặc kết xuất file (báo cáo, truy vết,...)

Người dân trên địa bàn tỉnh cũng giảm 50% thời gian chờ đợi so với trước kia đồng thời khai báo thông tin nhanh chóng dễ dàng trên điện thoại và nhận kết quả trực tuyến qua các ứng dụng.

Cần có sự thống nhất

Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đã đề xuất để đảm bảo việc triển khai các nền tảng công nghệ được hiệu quả.

Theo ông Dũng, với sức lây lan nhanh của chủng Delta, chắc chắn công nghệ là công cụ không thể thiếu nếu chúng ta muốn chống dịch hiệu quả.

Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thống nhất cùng triển khai Trung tâm công nghệ quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Vì vậy, ở địa phương, đề nghị Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông nhanh chóng tham mưu, đề xuất với Tỉnh uỷ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh nhanh chóng phân công một đồng chí lãnh đạo tỉnh trực tiếp chỉ đạo triển khai công nghệ, thành lập Tổ công nghệ do Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông đồng chủ trì.

'Triển khai công nghệ phòng, chống COVID-19 phải có sự thống nhất' ảnh 3Nền tảng hỗ trợ truy vết đạt nhiều hiệu quả trong việc phát hiện F0, F1. (Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông)

Cũng theo Thứ trưởng Dũng, công nghệ không bao giờ là lời giải duy nhất. Công nghệ phải kết hợp với các biện pháp quản lý hành chính, biện pháp nghiệp vụ khác mới trở thành một giải pháp trọn vẹn.

Ông Dũng cũng nhấn mạnh công nghệ phải có sự bắt buộc và  triển khai thống nhất trên toàn quốc.

"Ở thời bình, chúng ta có thể triển khai theo cách đa dạng ứng dụng, theo hướng liên thông dữ liệu. Nhưng ở thời chiến, chúng ta bắt buộc phải triển khai một số nền tảng thống nhất trên toàn quốc," ông Dũng nói.

Trung tâm Công nghệ quốc gia đã phát triển một bộ công cụ để phục vụ phòng, chống dịch. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 78, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể.

Ông Dũng cho hay Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch quốc gia đã biên soạn tài liệu hướng dẫn chi tiết, đã gửi đến tất cả các đầu mối. Vì vậy, các Sở căn cứ vào văn bản này để tham mưu cho tỉnh ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo ở địa phương mình.

"Những nỗ lực triển khai công nghệ của chúng ta sẽ không bao giờ là uổng phí. Chúng ta hãy mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong việc dùng công nghệ để phòng, chống dịch bệnh. Sau khi dịch bệnh qua đi, kỹ năng số và dữ liệu số sẽ vẫn còn đó, để chúng ta thực hiện chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số vì một tương lai tốt đẹp hơn," Thứ trưởng Dũng khẳng định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục