Triển khai Chương trình mục tiêu y tế - Dân số năm 2018

Thời gian qua, nhờ các chương trình mục tiêu Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu cơ bản như thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh…
Chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng tại bệnh viện Nhi Đồng 2, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Ngày 21/5, tại Hà Nội, Bộ Y tế triển khai Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số năm 2018.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Thời gian qua, nhờ các chương trình mục tiêu Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu cơ bản như thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh…

[Xây dựng cơ chế tài chính cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu]

Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị: Các đại biểu tập trung nắm vững nội dung Chương trình mục tiêu Y tế-Dân số để triển khai; thảo luận khó khăn, vướng mắc, cơ chế tài chính khi triển khai thực hiện; xem xét sự phù hợp của các mục tiêu, chỉ tiêu đã đặt ra để Bộ Y tế tổng hợp, đánh giá, điều chỉnh phù hợp…

Chương trình mục tiêu Y tế-Dân số giai đoạn 2016-2020 nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh, phát hiện sớm, kịp thời khống chế không để dịch lớn xảy ra; giảm tỷ lệ mắc, tử vong một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Chương trình cũng đặt mục tiêu khống chế tốc độ gia tăng các bệnh không lây nhiễm phổ biến, bệnh tật lứa tuổi học đường, bảo đảm sức khỏe cộng đồng.

Chương trình cũng góp phần nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm, bảo đảm cung cấp máu, an toàn truyền máu, phòng chống hiệu quả một số bệnh lý huyết học; khống chế và giảm tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng để giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế-xã hội.

Chương trình được triển khai nhằm duy trì mức sinh thay thế, hạn chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, cải thiện tình trạng dinh dưỡng, nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tăng cường công tác kết hợp quân dân y trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân vùng biên giới, biển đảo và vùng trọng điểm an ninh quốc phòng…

Chương trình mục tiêu Y tế-Dân số gồm 8 dự án: Dự án 1 “Phòng chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các bệnh không lây nhiễm phổ biến”; Dự án 2 “Tiêm chủng mở rộng”; Dự án 3 “Dân số và phát triển”; Dự án 4 “An toàn thực phẩm”; Dự án 5 “Phòng chống HIV/AIDS”; Dự án 6 “Bảo đảm máu an toàn và phòng, chống một số bệnh lý huyết học”; Dự án 7 “Quân dân y kết hợp” và Dự án 8 “Theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện chương trình và truyền thông y tế”. 

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài Chính (Bộ Y tế) cho biết, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số nhưng yêu cầu phải xây dựng, phê duyệt kế hoạch 5 năm, chia theo từng năm. 

Giai đoạn 2011-2015, để đạt được mục tiêu của Chương trình, kinh phí chủ yếu được bố trí từ ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, giai đoạn 2016-2020, kinh phí Trung ương chủ yếu bố trí cho các hoạt động ưu tiên gồm: Vắcxin, vật tư tiêm chủng, thuốc, hóa chất, phương tiện tránh thai, chi cho công tác an toàn thực phẩm…

Các hoạt động chuyên môn khác (khám sàng lọc, tư vấn xây dựng mô hình điểm, quản lý đối tượng, biên soạn tài liệu, diễn tập, triển khai chiến dịch…) giảm tối đa kinh phí thực hiện do khả năng ngân sách hạn chế và chuyển một số nhiệm vụ do ngân sách địa phương đảm bảo.

Ông Nguyễn Nam Liên đề nghị năm 2018, các địa phương lưu ý để xây dựng dự toán chi từ ngân sách địa phương bảo đảm hoạt động của Chương trình mục tiêu Y tế-Dân số. Kinh phí Chương trình mục tiêu không thuộc đối tượng được xét chuyển nguồn sang năm sau.

Đặc biệt, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về ưu tiên đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố bố trí ngân sách chi theo qui định định mức phân bổ theo hướng: Dành tối thiểu 30% cho y tế dự phòng và khoảng 30-40% cho trạm y tế xã…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục