Ngày 20/12, Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị “Triển khai Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030: Chủ động thích ứng, góp phần lan tỏa giá trị và quảng bá sản phẩm Việt Nam” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự, phát biểu khai mạc. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Đặng Hoàng Giang chủ trì hội nghị.
Hội nghị thu hút sự tham dự của hơn 250 đại biểu từ các bộ, ban, ngành Trung ương, các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các Trưởng cơ quan đại diện được bổ nhiệm năm 2021; đại diện 63 tỉnh, thành phố, 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam.
Hội nghị về công tác ngoại giao văn hóa được tổ chức nhằm quán triệt chủ trương đường lối về lĩnh vực đối ngoại, văn hóa và công tác ngoại giao văn hóa của Đảng, Nhà nước; đồng thời phổ biến nội dung Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 30/11/2021.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 là sản phẩm của trí tuệ tập thể, được lấy ý kiến rộng rãi. Do vậy, Chiến lược vừa có tính lý luận, thực tiễn, vừa có tính cụ thể, tổng quát.
Chiến lược có 3 điểm mới nổi bật, cụ thể: làm rõ được nội hàm của ngoại giao văn hóa, xác định nhiệm vụ của ngoại giao văn hóa là phục vụ 2 mục tiêu gồm đường lối đối ngoại và chính sách phát triển văn hóa; xác định chủ thể hướng tới và đối tác triển khai là các địa phương, người dân, doanh nghiệp; cập nhật, cụ thể 5 nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy quan hệ, hội nhập văn hóa, quảng bá đất nước, vận động danh hiệu, tiếp thu tinh hoa nhân loại.
[Ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, chủ động thích ứng]
Hội nghị ngoại giao văn hóa là bước triển khai kịp thời các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước tại các hội nghị quan trọng gần đây như: Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Hội nghị Đối ngoại toàn quốc và Hội nghị Ngoại giao 31.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, đề ra các biện pháp hiệu quả triển khai Chiến lược thời gian tới để cùng với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế tiếp tục phục vụ phát triển bền vững đất nước, lấy địa phương, người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước, con người và các sản phẩm Việt Nam./.