Trí tuệ nhân tạo đã thâm nhập vào thế giới thời trang như thế nào?

Theo McKinsey, thị trường toàn cầu của trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực thời trang được báo cáo ở mức 270 triệu USD vào năm 2018 và dự kiến sẽ tăng lên 4,4 tỷ USD vào năm 2027.
Trí tuệ nhân tạo đã thâm nhập vào thế giới thời trang như thế nào? ảnh 1Nhân vật hư cấu Harry Potter diện thiết kế của thương hiệu Balenciaga - tác phẩm đến từ công nghệ AI.

Với khả năng hiện thực hóa những bản vẽ, mà con người cần nhiều thời gian và công sức mới có thể hoàn thành, trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một “làn gió mới” trong ngành thời trang. Vậy chính xác AI đã thâm nhập vào thế giới thời trang như thế nào? Liệu công nghệ này có thay thế được yếu tố con người trong ngành thời trang?

Thời gian qua, AI được nhắc đến nhiều khi người ta phát hiện ra khả năng vô hạn của công nghệ này. Từ Midjourney đến Chat GPT, nhiều ứng dụng có sự tham gia của trí tuệ nhân tạo đang dần chiếm lĩnh thị trường.

Trong lĩnh vực thời trang, việc khám phá khả năng ứng dụng AI gần đây đã bắt đầu phát triển với tốc độ cấp số nhân. Theo McKinsey, thị trường toàn cầu của AI trong lĩnh vực thời trang được báo cáo ở mức 270 triệu USD vào năm 2018 và dự kiến sẽ tăng lên 4,4 tỷ USD vào năm 2027.

Với khả năng hiện thực hóa những bản vẽ mà con người cần nhiều thời gian và công sức mới có thể hoàn thành, AI đã trở thành một “làn gió mới” trong ngành thời trang. Vậy chính xác AI đã thâm nhập vào thế giới thời trang như thế nào? Liệu công nghệ này có thực sự thay thế được yếu tố con người trong ngành thời trang?

AI đưa thời trang sang trang mới

Theo FashionUnited, từ thiết kế trang phục, bắt kịp xu hướng hay bảo mật bản quyền, AI đang sẵn sàng để “lập trình lại” ngành công nghiệp thời trang. Nhiều nghiên cứu cho thấy AI sẽ nhanh chóng thay thế 30% khối lượng công việc được thực hiện bởi nhân sự ngành thời trang trong tương lai. Bằng khả năng giảm lượng thời gian cần thiết để thực hiện nhiều tác vụ thủ công, AI giúp nhân viên có thời gian tập trung vào những công việc quan trọng hơn.

Chẳng hạn như trang dữ liệu Heuritech hiện đang cung cấp một nền tảng AI phân tích hàng triệu hình ảnh để phát hiện màu sắc, đường cắt, hình dạng… nhằm dự đoán một thiết kế có thể trở nên hợp thời như thế nào trước một năm.

Trong khi các thương hiệu như Dior sử dụng Heuritech để xác nhận dự đoán của họ về xu hướng sắp tới, thì các nhà sản xuất như Wolverine Worldwide sử dụng AI để đánh giá xem nhu cầu của người tiêu dùng có tăng đối với các sản phẩm cụ thể hay không.

“Với công nghệ máy học, sẽ có nhiều dự đoán về doanh số hoặc doanh thu để nhóm thiết kế có động lực sáng tạo hơn,” Brad Lacey, Giám đốc thiết kế toàn cầu tại Hãng New Balance cho biết.

Trên khía cạnh thiết kế, kiểu dáng, hoa văn cùng sự phối hợp màu sắc phù hợp là điểm mấu chốt để thiết kế một bộ trang phục thu hút khách hàng. Các thuật toán của AI còn có thể phát hiện các xu hướng mới theo nhu cầu, phù hợp với giới tính và mọi lứa tuổi.

Trí tuệ nhân tạo đã thâm nhập vào thế giới thời trang như thế nào? ảnh 2Nổi bật là sự kết hợp giả tưởng giữa Simone Rocha và Nike được tạo bởi trang @ai_clothingdaily với những sản phẩm ấn tượng và có tính khả thi cao.

Sau khi phân tích tập dữ liệu về quần áo của nhà thiết kế, AI sử dụng dữ liệu đó để xem sản phẩm nào bán chạy và không bán chạy trên thị trường, đồng thời tạo hoặc đề xuất để các nhà thiết kế tung ra mẫu sản phẩm hoàn toàn mới trên thị trường, bắt kịp thị hiếu khách hàng.

[Cơ quan chống độc quyền EU điều tra Gucci và một số công ty thời trang]

Hai ngày 20 và 21/4 năm nay đã đánh dấu cột mốc phát triển của công nghệ AI trong thời trang, khi Tuần lễ Thời trang AI lần đầu được tổ chức tại thành phố New York. Được Spring Studios và nhà bán lẻ thương mại điện tử Revolve Group bảo trợ, sự kiện cho thấy AI đã trở thành một công cụ tương lai của ngành thiết kế thời trang.

Điều đặc biệt là các nhà thiết kế tham dự không nhất thiết phải hoạt động trong ngành thời trang. Sự kiện tạo sân chơi cho những tín đồ công nghệ và có gu thẩm mỹ phong phú đến tranh tài. Hơn 60% người tham dự sử dụng nền tảng Midjourney để tạo nên tác phẩm AI của họ.

Với tất cả những ưu điểm trên, có vẻ như công nghệ AI đang được giới thời trang ưa chuộng ngay lập tức. Tuy nhiên, khi nhìn tổng quan hơn, không thể tránh khỏi những lo ngại đi kèm với xu hướng này như bản quyền, tính nguyên bản và tính xác thực.

Mặt trái của công nghệ AI

Với sự ra đời của đa dạng nhiều mô hình khác nhau, AI trở thành công cụ phổ biến mà bất kỳ ai cũng có thể truy cập. Theo CNN, AI càng phát triển, những hình ảnh không có thật ngày càng lại trông giống thật hơn, dẫn tới lo ngại về đạo đức và sự phát triển của ngành thời trang.

Mạng xã hội gần đây lan truyền chóng một hình ảnh về Giáo hoàng Francis, theo đó, Giáo hoàng mặc áo phao dáng dài, thắt đai ở eo, khác biệt với trang phục truyền thống điển hình của ông. Hàng triệu người đã bị bức ảnh đánh lừa trước khi Pablo Xavier, một công nhân xây dựng 31 tuổi ở Chicago, thú nhận đã tạo bức ảnh bằng Midjourney.

Trong lễ phục của Giáo hoàng, mỗi bộ quần áo đều mang ý nghĩa tôn giáo. Màu sắc trang phục được chọn sao cho phù hợp với các lễ kỷ niệm. Vì vậy, những hình ảnh giả mạo về trang phục của Giáo hoàng có thể gây ra sự xúc phạm, báo động hoặc thậm chí là mất lòng tin trong cộng đồng Công giáo.

"Tôi tin rằng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo có tiềm năng đóng góp tích cực cho tương lai của nhân loại. Tôi chắc chắn rằng tiềm năng này sẽ chỉ được hiện thực hóa nếu có một cam kết liên tục và nhất quán từ những người phát triển các công nghệ này để hành động có đạo đức và trách nhiệm," Giáo hoàng Francis chia sẻ trong cuộc họp tại Vatican hôm 27/3, kêu gọi các nhà khoa học xem xét tác động của nó đối với con người.

Trí tuệ nhân tạo đã thâm nhập vào thế giới thời trang như thế nào? ảnh 3Bức ảnh "Giáo hoàng Francis mặc áo phao" làm dấy lên lo ngại về đạo đức trong thời trang.

Liệu AI có thể thay thế con người?

Mặc dù việc sử dụng AI trong thời trang đang dần thu hút được sự chú ý, nhưng các chuyên gia tin rằng nó vẫn có những hạn chế, ít nhất là khi áp dụng trên diện rộng. Từ năm 2018, nhà tương lai học Sophie Hackford của Mỹ đã cảnh báo những tác hại của AI trong ngành thời trang.

Ngoài việc dùng trí tuệ nhân tạo để làm giả các thiết kế, sự phát triển của AI có thể ảnh hưởng đến quyền sở hữu trí tuệ, khi ngành công nghiệp thời trang sử dụng AI để tạo ra các mẫu vải, màu sắc và kiểu dáng. Với các thuật toán được AI thúc đẩy, có nguy cơ thời trang sẽ trở nên kém sáng tạo hơn do chỉ nhấn vào yếu tố nhu cầu của khách hàng.

Trong thẳm sâu nỗi lo về AI - khiến thời trang thiếu đi sự độc đáo - là lo lắng về sự thay đổi quyền lực giữa trí tuệ con người và máy móc. Chúng ta cảm giác rằng robot đang xâm nhập vào đời sống của con người và lo rằng, liệu loài người sẽ cạnh tranh với các cỗ máy như thế nào. AI càng tiến sâu vào những lĩnh vực mà loài người tự tin như tính khả năng sáng tạo hay tính cảm xúc, thì chúng ta càng thấy sợ hãi.

Do đó, các chuyên gia vẫn ủng hộ những thử nghiệm mới. Quan trọng là không nên quá lạm dụng AI, tránh để nó thống trị ngành công nghiệp thời trang. Tiến sỹ Amy Gershkoff Bolles - người đứng đầu toàn cầu về chiến lược công nghệ kỹ thuật số tại Levi Strauss - cho biết: “Mặc dù AI có thể sẽ không bao giờ thay thế hoàn toàn con người nhưng chúng tôi rất vui mừng về những tiềm năng chúng mang lại.”

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục