Chủ tịch VietPro Nguyễn Hữu Phương Thảo (thứ 2 từ phải qua). (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Chị Nguyễn Hữu Phương Thảo - Chủ tịch Hội Trí thức trẻ Việt Nam lập nghiệp tại Vương quốc Anh (VietPro) khẳng định, trí thức trẻ Việt Nam tại Anh hướng về nguồn cội bằng những điều giản dị.
Lời khẳng định được đưa ra trong cuộc trò chuyện gần đây dành riêng cho phóng viên TTXVN thường trú ở London. Dưới đây là nội dung cuộc trò chuyện:
PV: Trước hết, xin chị cho biết đôi nét về kế hoạch hoạt động của VietPro trong thời gian tới?
Chị Nguyễn Hữu Phương Thảo: VietPro tiếp tục hướng đến 2 nhóm đối tượng chính. Thứ nhất là sinh viên Việt Nam du học tại Anh như chúng tôi từng làm trong suốt 4 năm qua.
Chúng tôi sẽ giúp các bạn trẻ định hướng về nghề nghiệp, phát triển kỹ năng, nâng cao kiến thức về thị trường chứng khoán, tài chính, tiền tệ, và tìm hiểu cơ hội việc làm thông qua việc tổ chức những sự kiện hàng năm như Prospect (hội thảo hỗ trợ kỹ năng xin việc), Student Investment Challenge (SIC - cuộc thi thử thách đầu tư)...
Nội dung của Prospect khá thiết thực, tập trung vào những việc cụ thể như hoàn thiện sơ yếu lý lịch (CV), đặt lịch hẹn, chuẩn bị trả lời phỏng vấn.
Bên cạnh đó, các thành viên VietPro cũng chia sẻ kinh nghiệm làm thế nào để biến cơ hội thực tập thành cơ hội việc làm, để công ty đưa ra lời mời làm việc sau một kỳ thực tập thành công.
Còn câu hỏi và tình huống được đặt ra tại cuộc thi giao dịch ảo SIC lại rất sát với những gì mà các bạn sinh viên sẽ gặp phải khi phỏng vấn xin thực tập, xin việc, hoặc trong công việc sau này. Vì vậy, các sự kiện do VietPro tổ chức sẽ tạo cơ hội tốt để sinh viên có dịp cọ xát thực tế, tự tin hơn và chuẩn bị sẵn sàng tâm thế cho bản thân mình.
Đối tượng thứ hai mà chúng tôi hướng đến chính là các trí thức trẻ đang làm việc tại Anh. VietPro sẽ hỗ trợ các bạn gặp gỡ, giao lưu và tạo ra những mối liên hệ cần thiết cho công việc.
Chúng tôi cũng có mời đại diện một số công ty hiện đang hoạt động ở Việt Nam sang bên này, vừa giới thiệu về công ty, vừa nói chuyện về lĩnh vực của họ, vừa mang đến cơ hội việc làm.
Nhiều bạn cũng muốn về Việt Nam, nhưng chưa biết tình hình công ăn việc làm hiện nay ở trong nước cụ thể ra sao. Vì thế, đây sẽ là cơ hội tốt cho không chỉ các bạn sinh viên mới ra trường, mà cả những người từng làm việc 2-3 năm ở Anh.
Ngoài ra, VietPro cũng có kế hoạch tổ chức các hoạt động thể thao với mục tiêu khuyến khích sống khỏe, sống lành mạnh, tăng cường giao lưu gắn kết và quyên góp gây quỹ từ thiện.
Bên cạnh những buổi giao hữu quần vợt, chúng tôi hy vọng có thể tổ chức một giải chạy việt dã vào tháng Chín này nhằm gây quỹ từ thiện giúp đỡ trẻ em, người nghèo ở trong nước.
Cuộc thi Thử thách Đầu tư lần thứ 3 do VietPro tổ chức tháng 2/2014. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
- Vậy đâu sẽ là điểm nhấn trong các hoạt động của VietPro, thưa chị?
* Chị Nguyễn Hữu Phương Thảo: Chúng tôi đặt trọng tâm vào việc tổ chức hội thảo hoặc diễn đàn doanh nghiệp với sự tham gia của đông đảo mọi người, từ sinh viên cho đến trí thức trẻ và đại diện các công ty ở cả Anh và Việt Nam.
Nội dung các cuộc hội thảo hay diễn đàn này sẽ đề cập tới nhiều lĩnh vực khác nhau như tài chính, tiền tệ, thương mại, đầu tư, hoặc cũng có thể đề cập tới tình hình phát triển kinh tế ở Việt Nam. Đây sẽ là dịp quan trọng để tất cả mọi người, kể cả các doanh nghiệp, gặp gỡ giao lưu và trao đổi thảo luận.
Tại đây, các bạn sinh viên và trí thức trẻ được tiếp cận với cơ hội việc làm, còn các công ty có nhu cầu tuyển dụng cũng có thể đạt mục tiêu đề ra.
Thông qua hoạt động này, VietPro sẽ tăng cường quan hệ với nhiều đối tác khác nhau, ví dụ như trường Kinh doanh London (London Business School), để tiến tới mở rộng nội dung hội thảo ra cả khu vực Đông Nam Á.
Theo kế hoạch, đầu tháng Năm này, chúng tôi sẽ tổ chức một buổi hội thảo về cơ hội việc làm tại Việt Nam với sự tham dự của đại diện một số công ty, ngân hàng trong nước sang.
- Chị đánh giá như thế nào về cơ hội việc làm tại Anh đối với sinh viên Việt Nam? Họ sẽ phải vượt qua những thách thức gì nếu muốn thử sức ở đây sau khi tốt nghiệp?
* Chị Nguyễn Hữu Phương Thảo: Trên thực tế, cơ hội việc làm ở Anh không nhiều đối với các bạn sinh viên Việt Nam. Họ sẽ phải đối mặt với thử thách đầu tiên: vấn đề thị thực. Nhất định, họ cần phải được một công ty nào đó đứng ra bảo lãnh để xin thị thực. Nhiều bạn sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp muốn ở lại thử sức tại Anh trong khoảng thời gian 2-3 năm.
Quả thực, môi trường việc làm nơi đây mang tính cạnh tranh rất cao, buộc mỗi người phải nỗ lực vươn lên từng ngày.
Sinh viên Việt Nam cần vượt qua "cửa ải" quan trọng đầu tiên: được một công ty tại Anh nhận vào làm việc. Khi đó, các bạn sẽ có cơ hội thử sức và vươn lên chinh phục thách thức để từng bước khẳng định chính mình trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt.
Vì phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách mà sinh viên Việt Nam nỗ lực gấp mười lần sinh viên các nước khác. Ngay từ năm thứ nhất, các bạn bắt đầu trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội cọ xát để ngày càng vững vàng hơn.
- Có ý kiến cho rằng trí thức trẻ Việt Nam đang sống và làm việc khắp nơi trên thế giới cũng có thể góp phần xây dựng đất nước từ xa bằng những hành động thiết thực. Chị nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Chị Nguyễn Hữu Phương Thảo: Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm đó. Trong thời đại bùng nổ về thông tin, vấn đề mình ở đâu không còn quan trọng nữa, mà là mình sẽ làm gì góp phần xây dựng quê hương đất nước? Mình đại diện cho hình ảnh Việt Nam ra sao? Mình quảng bá văn hóa dân tộc như thế nào?
Đối với VietPro, chúng tôi hướng về nguồn cội bằng những điều giản dị nhất. Có một số thành viên VietPro dù ở Anh đã lâu, nhưng nhiệt huyết chưa bao giờ nguội lạnh.
Các bạn hăng hái góp sức xây dựng quê hương đất nước thông qua hoạt động từ thiện, giúp đào tạo thế hệ trẻ, quảng bá văn hóa dân tộc, giữ gìn tiếng mẹ đẻ... Thành viên VietPro đều tự nguyện đứng ra tổ chức các sự kiện như SIC, Prospect để tăng cường sự gắn kết trong cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Anh.
Dìu dắt thế hệ trẻ thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm và cơ hội cũng là cách mà chúng tôi - những người con xa xứ hướng về nguồn cội.
Ngoài ra, chúng tôi còn tích cực quyên góp từ thiện gửi về nước giúp đỡ đồng bào gặp khó khăn.
Tôi cho rằng dù ở cứ nơi đâu, mình vẫn luôn là người Việt Nam và mình cần xứng đáng với niềm tự hào đó. Khi ra nước ngoài, bất cứ hành động nào của mỗi người, dù nhỏ nhất, cũng đều ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước và niềm tự hào dân tộc.
Ví dụ khi làm việc theo nhóm gồm các thành viên đến từ nhiều nước khác nhau, mình cố gắng hoàn thành nhiệm vụ thật tốt, thì bạn bè sẽ cảm phục tinh thần trách nhiệm của người Việt Nam, và có cái nhìn thiện cảm về đất nước chúng ta, yêu nền văn hóa của chúng ta.
- Xin chân thành cảm ơn chị./.
(Vietnam+)