Tri ân người thầy mẫu mực, vị tướng tài ba của dân tộc

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lịch sử dân tộc, "trăm năm của Đại tướng là trăm năm hào khí".
Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng tài ba, lỗi lạc của dân tộc, từ thành phố Hồ Chí Minh bao tấm lòng hướng về Đại tướng với sự tri ân, tiễn biệt đầy cảm xúc .

Bài học từ Đại tướng


Ông Nguyễn Trọng Xuất, nguyên Chánh Văn phòng Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, Tổng thư ký Hội đồng chỉ đạo biên soạn Công trình lịch sử Nam bộ kháng chiến là người may mắn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều lần và lần nào cũng để lại trong ông những kỷ niệm khó quên.

Trong căn phòng làm việc đơn sơ của nhà viết sử này, có rất nhiều sách nói về lịch sử đấu tranh của dân tộc và cuốn sách mà ông yêu thích nhất là “Võ Nguyên Giáp - Hào khí trăm năm” của tác giả Trần Thái Bình. Ấn tượng của ông về vị Đại tướng tài ba không chỉ là người chỉ huy những trận đánh bách chiến bách thắng mà còn là người để lại những công trình nghiên cứu lịch sử có giá trị.

Theo ông Nguyễn Trọng Xuất, Đại tướng là những người ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lịch sử dân tộc, "trăm năm của Đại tướng là trăm năm hào khí". Hào khí thể hiện khí phách của dân tộc, bản lĩnh của dân tộc đã hội tụ trong một con người đứng đầu quân đội, lực lượng đối đầu trực tiếp chống lại kẻ thù.

Ông Nguyễn Trọng Xuất nhớ lại: "Trong một lần nói chuyện với bác Giàu (Trần Văn Giàu- PV), Đại tướng đã chỉ tay vào túi bác Giàu và nói: 'Trong túi anh chẳng có gì, trong túi tôi cũng chẳng có gì, chúng ta không có gì riêng cho mình nhưng dân tộc ta có cả giang sơn.'" Một câu nói mộc mạc nhưng có ý nghĩa vô cùng, thể hiện được khí phách của một vị anh hùng nhưng vô cùng dung dị, gần gũi.

Trong quá trình được tiếp xúc, làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Nguyễn Trọng Xuất cũng đã tự rút ra cho mình những bài học trong cuộc sống. Ông cho biết, Đại tướng có nói một ý mà tôi xem là bài học suốt đời: "Trong lãnh đạo thì phải tỉnh táo lắm, đặc biệt là phải cảnh giác, không chỉ với kẻ thù, kẻ xấu mà cảnh giác với chính mình, bởi vì nếu không cảnh giác với chính mình để cái diễn biến, nó làm mình tha hóa đi thì mình sẽ đánh mất chính mình."

Trong giáo dục, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người thầy của nhiều thế hệ học trò, truyền cảm hứng mãnh liệt về tình yêu quê hương, đất nước qua nhiều bài giảng bằng phong cách giản dị và thuyết phục.

Nhắc đến câu chuyện này, Phó giáo sư, Tiến sỹ Võ Văn Sen, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: "Bằng sự tự học của bản thân để có nghệ thuật quân sự tuyệt vời nên Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất chú trọng đến việc giáo dục cho thế hệ trẻ và luôn nhấn mạnh, bên cạnh việc rèn luyện về tri thức, cần tu dưỡng đạo đức. Bài học lớn mà Đại tướng chỉ ra cho nhân dân và đặc biệt những người làm công tác xã hội và nhân văn là trong việc phát triển khoa học xã hội nhân văn ở Việt Nam phải thật chú trọng đến di sản văn hóa dân tộc và lịch sử quân sự."

Tình cảm, tri ân với Đại tướng

Để bày tỏ lòng tiếc thương, vĩnh biệt vị tướng tài ba, kiệt xuất của dân tộc, các tầng lớp nhân dân ở thành phố Hồ Chí Minh đã có những cách riêng của mình để thể hiện tình cảm, tri ân với Đại tướng.

Ngay sau khi nghe tin Đại tướng qua đời, Hội Cựu chiến binh Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh đã lập một bàn thờ và thông báo cho tất cả các đồng chí trong hội đến làm lễ kính viếng. Ông Đặng Xuân Định, Phó Chủ tịch thường trực Hội Cựu chiến binh Quận 1, cho biết: "Thể theo tâm nguyện thiết tha của hơn 3.000 hội viên, chúng tôi đã lập một bàn thờ để các hội viên tới thắp nén hương tỏ lòng tiếc thương, khâm phục, ngưỡng mộ."

Hướng về Đại tướng, hơn 1.000 sinh viên đang sinh sống tại Ký túc xá Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi xem phim tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và dành một phút mặc niệm Đại tướng.

Bạn Trần Thái Sơn, sinh viên năm thứ tư, Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: "Em là một người con Quảng Bình, khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, em rất buồn. Tuy không gặp bác lần nào, nhưng qua sách vở em đã rút ra được nhiều bài học từ bác Võ Nguyên Giáp với những đức tính mẫu mực, phong cách làm việc khoa học, đạo đức trong sáng." Bạn Trần Thái Sơn chia sẻ: "Nhà em ở cách nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ yên nghỉ khoảng 2km nên khi có điều kiện về quê, em sẽ tới thăm và thắp hương tưởng nhớ Đại tướng."

Phó giáo sư, Tiến sỹ Võ Văn Sen cho biết: "Lịch sử dân tộc ta trải qua chiến tranh nhiều, nên nghệ thuật quân sự hiện đại, chiến tranh nhân dân, hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ không có một chiến thắng nào tách rời Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những tư tưởng, bài học của Đại tướng được thấm nhuần và giảng dạy nhiều tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh"./.

Hoàng Anh Tuấn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục