Trèo sấu - nghề mưu sinh nguy hiểm nhưng đem lại thu nhập cao

Để tránh chồng chéo, những “đội” trèo sấu phân bổ đều ở các khu vực Trần Phú, Phan Đình Phùng, Bách Thảo… Họ bán sấu tươi nguyên quả, sấu đã cạo vỏ cho những ai kỹ tính hoặc muốn cấp đông.
Trèo sấu - nghề mưu sinh nguy hiểm nhưng đem lại thu nhập cao ảnh 1Người bán sấu trên phố Trần Phú. (Nguồn: Vietnam+)

Trên con phố Trần Phú rợp bóng cây, dù đang là giữa mùa Hè nắng nóng cháy da, cứ cách một đoạn người ta lại thấy một hoặc một nhóm 2-3 người ngồi trên vỉa hè, bày những tấm bạt, chiếc rổ, bên trên đổ đầy một loại quả nhỏ đặc trưng của Hà Nội - những quả sấu xanh.

Những hình ảnh này còn xuất hiện ở trên một số tuyến phố khác của Hà Nội như quanh Bách Thảo, trên đường Pham Đình Phùng...

Loại quả đặc trưng của Hà Nội

Cây sấu mọc ở khắp miền Bắc nhưng được trồng nhiều nhất tại Hà Nội. Đây có lẽ là một trong những loại cây đẹp nhất của Hà Nội.

Vào mùa cây sấu thay lá, khắp đường phố phủ kín những chiếc lá vàng rực đẹp đến nao lòng, là cảm hứng cho biết bao nhiếp ảnh gia sáng tác ra những bức ảnh thảm lá vàng tuyệt đẹp.

Vào mùa hoa rụng để đơm quả, khắp vỉa hè lại phủ kín những cánh hoa trắng nhỏ li ti với nhụy hoa màu nâu sậm, với mùi thơm nhẹ gây cảm giác thư thái, khoan khoái vô cùng.

Và kết thúc mùa hoa đó là những lúc trái sấu xanh nhú ra. Quả sấu đã trở thành một phần không thể thiếu trong bữa ăn của người Hà Nội vào mùa Hè, trong nước rau muống luộc, trong những bát canh chua đưa cơm giữa thời tiết nóng bức.

Sấu được làm ô mai, được ngâm đường để trở thành món giải khát quen thuộc xuất hiện từ những quán càphê cho đến những quán trà đá vỉa hè.

Sấu đông lạnh còn được xuất khẩu sang Australia lần đầu tiên vào tháng 8/2021, giúp những người Hà Nội xa nhà giải tỏa phần nào nỗi nhớ hương vị quê hương.

Sấu cũng là thứ quả có thể dự trữ bằng nhiều cách. Chị L.T.Lan (Trần Phú, Hà Nội) cho biết vào mùa sấu già quả, khi quả sấu ăn có vị chua nhẹ, hậu vị ngọt dịu mà không chát, chị thường mua vài cân sấu cạo vỏ rồi cất tủ đông ăn dần quanh năm. 

[Lần đầu tiên 22 tấn quả sấu đông lạnh được tiếp thị tại Australia]

Chị cho biết mình thường mua sấu từ những người bán rong trên vỉa hè Trần Phú gần nhà. Sấu tươi nguyên, mang về cho vào lọ đổ đường là có món giải khát vừa ngon vừa an toàn cho gia đình. Theo chị, sấu Hà Nội có vỏ mỏng, độ giòn ngon hơn sấu của nhiều nơi khác.

Thế nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi những quả sấu tươi ngon đó từ đâu ra?

Hà Nội có những con phố hầu như chỉ trồng toàn cây sấu như Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Bà Triệu, quanh Bờ Hồ, trong Bách Thảo…

Không giống như rau củ quả thường được trồng ở nơi khác, hay ở ngoại thành và theo những xe nông sản vào nội thành Hà Nội, quả sấu lại được thu hoạch ở trên chính những con đường quen thuộc hằng ngày chúng ta đi làm, đi học, đi chơi.

Và có một nghề rất đặc biệt, chỉ xuất hiện vào đúng mùa sấu tại Hà Nội - nghề trèo sấu.

Trèo sấu - nghề mưu sinh nguy hiểm nhưng đem lại thu nhập cao ảnh 2Những quả sấu xanh tươi vừa được hái trên cây. (Nguồn: Vietnam+)

Nghề nguy hiểm nhưng đem lại thu nhập cao

Vào sáng sớm, trên những thân sấu cao xuất hiện những bóng người thấp thoáng mang theo những chiếc bao, túi, đôi khi là một chiếc móc dài, khéo léo móc, bẻ từng chùm sấu xanh.

Trèo sấu - nghề mưu sinh nguy hiểm nhưng đem lại thu nhập cao ảnh 3Cách một đoạn lại có một người bán sấu. (Nguồn: Vietnam+)

Công việc thoạt nhìn rất nguy hiểm, bởi những cây sấu già, cổ thụ thường cao đến hàng chục mét, người leo đứng hay ngồi vắt vẻo trên những cành cây nằm ngang mà không hề có thiết bị bảo hộ, tưởng chừng có thể gãy bất cứ lúc nào.

Leo xuống từ một thân cây to đủ một vòng tay người ôm, anh H., một người trèo sấu trên đường Trần Phú, cho biết những cành sấu ra quả thường nhỏ, dễ gãy nên cũng rất nguy hiểm. Đặc biệt, vào buổi sáng sớm, hoặc sau khi có mưa, cây và lá còn ướt rất trơn, sơ sểnh là có thể tuột tay ngã xuống đất.

Nguy hiểm là thế nhưng nhiều người vẫn bất chấp để bán sấu, bởi công việc này mang lại thu nhập thời vụ rất khá.

Sấu hái trên cây xuống được bán trực tiếp ngay trên đường không qua trung gian, thương lái, nên người bán hưởng trọn thành quả bán hàng.

Hơn thế nữa, đối với người mua hàng, đây là loại quả hiếm hoi mà họ biết rõ “nguồn gốc, xuất xứ,” cũng như yên tâm là quả tươi nhất vừa được hái trên cành. Nên nhiều người không lựa chọn các chợ hay siêu thị mà đến tận những nơi này mua hàng.

Thông thường lượng sấu sẽ được bán hết trong ngày, không phải chờ đến ngày hôm sau. Thậm chí có những ngày đắt hàng, phải trèo cây hai lần để hái sấu, anh H. cho biết.

Những người hái sấu và bán sấu thường là những người lao động tự do. Và đối với nhiều người trong số họ, công việc thời vụ chỉ trong vài tháng Hè đem lại thu nhập nhiều hơn cả năm làm các công việc tay chân vất vả khác. 

Hiện tại do đã có nhiều người bán nên trung bình một ngày, một người trên phố Trần Phú chỉ có thể thu hoạch được 10-15kg sấu, những ngày ít thì chỉ dưới 10kg sấu.

Một cân sấu được bán với giá 35.000 đồng, một ngày nếu thu hoạch được nhiều có thể thu về tiền triệu, còn trung bình cũng phải được 400-500.000 đồng.

Để tránh chồng chéo lên công việc của nhau, những “đội” trèo sấu tự phân bổ đều ở các khu vực Trần Phú, Phan Đình Phùng, Bách Thảo… Họ bán sấu tươi nguyên quả, sấu đã cạo vỏ cho những ai kỹ tính hoặc muốn cấp đông.

Trên thực tế, cũng giống như bán hàng rong, việc trèo sấu và bán sấu là hoạt động bị cấm, đôi lúc cũng bị lực lượng chức năng đuổi và phạt, nên những người trèo sấu thường phải chọn sáng sớm và trưa vắng để “hoạt động,” và dù biết bị cấm nhưng vì để mưu sinh đôi khi họ cũng không có lựa chọn nào.

Và sau 3 tháng Hè mưu sinh với quả sấu, họ sẽ lại trở về những con đường, góc phố khác để đánh giày, bán rong, hay bê vác, phụ hồ, những công việc dù bị cấm hay không, thì cũng sẽ mang lại cho họ khoản thu nhập ít ỏi đủ để trang trải cho cuộc sống đầy vất vả./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục