Một câu ngạn ngữ Pháp đã nói thế. Tôi không có ý định tranh cãi gì về điều đó, vì nó hoàn toàn đúng đắn, là những gì người Pháp, bậc thầy về hưởng thụ cuộc sống, đã đúc kết trong câu đó và vô số những câu nói khác. Tôi chỉ muốn nói thêm một điều nữa: “Đời quá ngắn để có thể uống và hiểu hết về các loại rượu Pháp.”
Giữa những cánh đồng nho bạt ngàn của vùng đất đồi rộng lớn chạy dọc hai bên sông Charente, là một thế giới vô cùng và vô tận của rượu brandy ở vùng đất Cognac, cách Bordeaux hơn 100 cây số.
Đấy không phải là tên của một loại rượu, giống như nhiều người lầm tưởng có một loại vang Bordeaux, mà là một vùng rượu trứ danh đã bốn thế kỷ nay làm bao con tim và dạ dày của dân sành rượu và biết thưởng thức chúng một cách có văn hóa rung động bởi thứ nước thường là trên 40 độ cồn ấy.
Xe tôi lạc vào giữa một cánh đồng nho ở ngoại ô Cognac, không phải vì say rượu-ở đây không được lái khi đã uống, dù chỉ một chút đồ có cồn, mà vì choáng ngợp với những gì đang thấy: khắp bốn phương trời là những dàn nho cao gần bằng đầu người dưới bầu trời xanh thẳm và nắng gắt, xa xa là những ngôi nhà nhỏ nằm trên đồi, đây đó thấp thoáng những tháp chuông nhà thờ. Văng vẳng trong gió có tiếng chuông đâu đó đang điểm. Giáo xứ hẳn đang muốn thông báo một điều gì đó, có lẽ không phải là vì rượu.
Từ bốn thế kỷ nay, sau khi một thương nhân Hà Lan gốc Đức buôn rượu chát từ Pháp sang Hà Lan sống ở đây vô tình nghĩ ra cách chưng cất cách thủy rượu vang chát, từ đó tạo ra một loại rượu mạnh hơn về nồng độ có tên gọi “brandewijn,” Cognac đã trở thành trái tim của rượu brandy thế giới.
Thành phố nhỏ và xinh đẹp bên bờ sông Charente với gần 20 nghìn dân ấy là một thánh địa của những người đam mê rượu mạnh, hoặc theo cách uống trực tiếp nguyên chất, hoặc pha với rất nhiều thứ khác để tạo các loại cocktail tuyệt vời mà sự tưởng tượng của các bartender là vô hạn. Bên sông Charente thơ mộng, lá cờ đỏ sậm của của hãng Hennessy bay phần phật trên một lâu đài cổ là trụ sở của hãng và là thứ đầu tiên đập vào mắt những ai vừa đến khu phố cổ của Cognac.
Đấy là một trong bốn tứ trụ của Cognac, thành lập từ năm 1865, và từ 150 năm nay đem đến cho đời những Bras d’Or hay Bras Arme các thể loại V.S.O.P (very superior old pale, tuổi từ 7 đến 10 năm) hay X.O (extra old, thường trên 20 năm tuổi). Bảo tàng của hãng giống như một bảo tàng nghệ thuật hơn là của một hãng rượu. Những cô nhân viên của Hennessy nhìn cũng nồng nàn như chính những thứ rượu mà họ cho ta uống trong đó.
Một tour đi thăm các nhà rượu bất hủ của Cognac, sau Hennessy là Camus, Rémy Martin và Martell giống như cuộc chinh phục những đỉnh núi cao nhất thế giới về cả kiến thức, gu và văn hóa rượu, chứ không phải tửu lượng. Những kiến thức về rượu sẽ trở nên ít ỏi nếu ta uống chỉ để uống, hoặc uống để quên đi một điều gì đó, một ai đó, một sự thực phũ phàng nào đó ta đối mặt trong đời.
Những “Napoleon,” “Cordon blue” hay “Johnnie Walker” cũng chỉ là những kí hiệu hay nhãn hiệu rượu, những cái tên rất bình thường ở nơi đây và không có ý nghĩa một khi ta không muốn hiểu nhiều về nó. Nhưng đã đến nơi đây rồi, lang thang trên những cánh đồng nho bạt ngàn xanh, thăm các nhà rượu hoặc ngồi uống cocktail Cognac pha các loại tonic trong một quán bar ở quảng trường Francois I ở trung tâm thành phố, mới hiểu ra rằng, văn hóa rượu và “nghề chơi” liên quan đến nó sẽ giúp rượu ngon hơn trong miệng ta, khi nó bắt đầu chảy xuống cuống họng.
Từ việc Cognac được ủ trong những thùng lấy từ gỗ sồi nhiều tuổi, thường là 100 tuổi, để tạo ra một cuộc hôn phối thần thánh giữa vị của nho và hương của gỗ sồi, cho đến việc rượu cognac càng lâu năm càng êm và dịu, như ánh nắng chiều, và việc rượu nên uống như thế nào cho đúng cách, là một câu chuyện rất dài và thú vị.
Antoine, người chủ của cánh đồng nho mà tôi cố tình đi lạc vào trước khi đến thăm các nhà rượu ở Cognac, đã nháy mắt một cách tinh nghịch và bảo, bằng một thứ tiếng Anh rất chuẩn rằng, ủ rượu trong thùng gỗ sồi cũng như làm tình, càng lâu thì càng đem lại nhiều khoái cảm. Rượu phải ủ trong thùng gỗ sồi ít nhất 3 năm thì mới được gọi là brandy và để xuất ra nước ngoài thì cần lâu hơn thế nữa, thường là trên 5 năm. Nhưng đấy là brandy bình thường. Những hãng rượu lớn của Cognac luôn để lâu hơn thế nữa, có khi đến hàng chục năm để cho ra những thứ rượu hảo hạng và đương nhiên, đắt tiền.
“Rượu lâu năm cũng như bạn hiền, hoặc một người tình già,” anh bảo. “Nó không bao giờ làm ta thất vọng, giống như khi bạn hiền uống và nói chuyện đời với ta bên bàn ăn, giống như người phụ nữ từng trải với ta ở trên giường và làm cho ta đê mê. Rượu cognac non tuổi thì thường gắt, không khác gì một cậu trai mới lớn bốc đồng.” Và anh nói thêmL “Cũng như hôn kiểu Pháp, cái lưỡi rất quan trọng trong khi uống brandy. Đừng uống một cách ào ạt như kiểu hôn ngốn ngấu, mà hãy để lưỡi chạm vào rượu, từng chút một, như thế mới cảm nhận được cái hay của rượu. Hôn cũng vậy thôi, từ từ, sâu và lâu.”
Một “cái lưỡi” bình thường và không đam mê hoặc hiểu biết gì về rượu chắc chắn sẽ bị đánh gục sau mấy li Cognac. Một “cái lưỡi” không hiểu biết gì về rượu mạnh như tôi thì khác. Tôi không bị đánh gục, dù thử dăm ba loại khác nhau ở Cognac trong một ngày tháng 6, cũng không thấy chuếnh choáng, mà chỉ nhận ra một điều cơ bản, sau nhiều năm sống ở châu Âu và đã đi qua rất nhiều vùng rượu nổi tiếng của Italy cũng như dòng Tân Thế giới ở Nam Phi, là rượu không phải để uống lấy số lượng, rượu cũng không làm cho ta sang hơn, một thứ làm cho ta có đẳng cấp hơn nếu ta uống thứ càng đắt càng tốt, mà rượu cần một phông văn hóa để thưởng thức và chính cái phông ấy sẽ làm cho ta và rượu cùng trở nên có giá trị.
Không ngẫu nhiên khi những người đã chế ra thứ nước cay kết hợp giữa đất trời, nước và bàn tay con người ấy như người Pháp lại là một trong những dân tộc lịch lãm nhất trong việc hưởng thụ cuộc sống theo cách ăn, uống và yêu, theo nghĩa tinh thần và xác thịt.
Và người Italy, sư phụ của triết lý về “slow life” (sống chậm) và ca ngợi khẩu hiệu “la dolce vita” (cuộc sống ngọt ngào), với rượu vang, pasta, rau quả và dầu oliu là lẽ sống (và trên thực tế, thực đơn Địa Trung Hải được cho là một trong những nguyên nhân khiến người Italy thọ hàng đầu châu Âu), cũng nể người Pháp vì điều đó. Rượu có thể là gì, nếu không phải là một bằng chứng là Chúa yêu chúng ta và muốn thấy chúng ta hạnh phúc, như Benjamin Franklin đã nói?
Tôi chưa từng là tín đồ của rượu brandy, mà mê vang. Nhưng cái sự phân biệt ấy cũng đã bắt đầu lung lay sau khi đến Cognac và trước đó, rẽ qua vùng vang Armagnac ở Gascogne, nơi không nổi tiếng như Cognac, nhưng nhiều người Pháp cho là ngon hơn các loại brandy Cognac.
Chẳng phải ngẫu nhiên khi người Pháp gọi brandy là “eau de vie,” dịch một cách nôm na theo kiểu từng chữ một, là “nước của đời.” Và ở Cognac, trong nông trang của Antoine, tôi giở ra một tấm bản đồ lớn của nước Pháp, và nhận ra là còn bao vùng rượu khác của Pháp mà mình cần đặt chân đến, để nghe những người như Antoine nói về rượu như một triết lí sống, để hiểu về văn hóa vùng đất đó và sẽ làm vài ly. Nhiều lắm, những cái tên, từ Beaujolais, Médoc, vùng rượu Burgundy, Languedoc, Cahors cho đến Champagne.
Ừ, một ngày nào đó, Champagne...
Thưởng thức rượu Cognac như thế nào?
Do đặc tính của rượu, rượu Cognac thường được thưởng thức bằng các ly có hình quả táo. Loại ly này, thân bầu nhưng miệng nhỏ, giúp cho hương vị tinh tế của rượu được lưu giữ tốt hơn và tôn được màu sắc cũng như độ trong của rượu. Lượng rượu rót ra trên các ly loại to thường ít một, đủ để chiếc ly khi đặt nằm trên mặt bàn cũng không sánh rượu ra ngoài. Khi cầm ly nên dùng lòng bàn tay ôm dưới mặt đáy của ly, sức nóng từ cơ thể con người truyền sang giúp cho hương thơm của rượu nổi bật hơn.
Khi đưa ly lên mũi sẽ cảm nhận được mùi ban đầu. Khi hơi lắc nhẹ ly sẽ cảm nhận được độ sánh, độ trong của rượu và hương thơm trở nên mạnh mẽ hơn. Khi chạm lưỡi vào rượu, từng chút một, người thưởng rượu sẽ cảm nhận được toàn diện cái ngon của sự kết hợp hương thơm đậm đà và vị rượu đặc biệt, độc nhất vô nhị, không lẫn với các loại rượu khác trên thế giới. Rượu Cognac, ngoài cách uống nguyên chất như trên, còn có thể được pha trộn với các loại nước có gas hay tonic để làm các loại nước giải khát hoặc khai vị với những hương vị đặc biệt.
Tuy nhiên, người ta thường uống rượu Cognac nguyên chất. Một số loại cocktail cũng có sử dụng Cognac như rượu nền trong thành phần pha chế, nhưng đó là một sự phí phạm không cần thiết, có thể thay thế bằng brandy loại rẻ tiền hơn.