Ngày 10/1 tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị Đánh giá kết quả triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm – OCOP khu vực phía Nam năm 2019, định hướng và giải pháp thực hiện năm 2020 và triển khai Bộ tiêu chí OCOP cấp quốc gia.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, đến hết năm 2019 đã có 20 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng và có quyết định công nhận cho 946 sản phẩm OCOP, đạt 39,4% so với kết hoạch là 2.400 sản phẩm của 619 chủ thể tham gia Chương trình. Trong số đó có 16 sản phẩm đề xuất 5 sao; 292 sản phẩm đạt 4 sao và 638 sản phẩm đạt 3 sao.
Các địa phương sau khi cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đã nghiêm túc thực hiện việc cấp quyền sử dụng, quản lý nhãn hiệu OCOP, dán tem điện tử truy suất nguồn gốc sản phẩm OCOP.
Theo báo cáo của các địa phương, sau khi được đánh giá xếp hạng, nhiều sản phẩm đã được các đơn vị phân phối, bán lẻ, bán thương mại điện tử tại Trung tâm thương mại BigC, Vinmart, VNPost…ký kết hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn. Tổng nguồn lực huy động dự kiến có 3.300 tổ chức kinh tế để sản xuất sản phẩm OCOP đạt hơn 10.000 tỷ đồng.
Hoạt động xúc tiến thương mại phục vụ Chương trình OCOP diễn ra sôi nổi khắp cả nước. Ngoài Hội chợ OCOP quốc tế, ở các tỉnh Bến Tre, Hậu Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Đặc Lắc, Nghệ An tổ chức hội chợ quảng bá sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương. Nhiều địa phương đã thực hiện mở các trung tâm, điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP đã tạo nên hiệu ứng tích cực quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Tại hội nghị, tiến sỹ Ngô Thu Trang, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra những vấn đề thực tiễn khi triển khai Chương trình OCOP và đưa ra một số giải pháp thực hiện năm 2020. Theo bà Trang cần phát triển nội lực, gia tăng giá trị sản phẩm OCOP, phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp ở địa phương hướng đến toàn cầu để phát huy thế mạnh sản phẩm mà người dân sáng tạo ra.
Nhiều sản phẩm OCOP ở một số địa phương phía Nam đang cần đầu ra và cần sự hỗ trợ của hệ thống chính trị tổ chức thực hiện. Một số địa phương chưa thấy lợi ích từ chương trình, ngại thay đổi mẩu mã sản phẩm và phương thức kinh doanh hiện đại, chưa biết tới các thủ tục, hồ sơ tham gia chương trình...
Bà Trang đề nghị cần tăng cường truyền thông về chương trình để chính quyền các cấp và người dân hiểu rõ về OCOP, qua đó tạo điều kiện kết nối đầu ra cho sản phẩm, có điểm trưng bày, xây dựng bổ sung bộ tiêu chí OCOP còn thiếu…
Tại Đồng Tháp, Chương trình OCOP được các cấp chính quyền tỉnh quan tâm và triển khai khá khá hiệu quả. Chương trình OCOP năm 2019 đã công nhận 70 sản phẩm OCOP của 30 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh; trong đó, có 23 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 47 sản phẩm đạt hạng 3 sao.
Những sản phẩm OCOP của địa phương đa dạng, nổi tiếng với sản phẩm làm từ gạo ở thành phố Sa Đéc, Châu Thành như: bánh phồng tôm, bánh phở, hủ tiếu, bột gạo… vùng biên giới huyện Hồng Ngự nổi bật với sản phẩm cá khô cá lóc, khô cá sặc rằn, cá thác lác gút xương; ven sông Tiền có các sản phẩm trái cây đặc sản như: xoài ở huyện Cao Lãnh, thành phố Cao Lãnh, quýt hồng ở huyện Lai Vung; các sản phẩm truyền thống như nem Lai Vung, khô trâu ở huyện Tân Hồng; ở huyện Hồng Ngự có sản phẩm làm tinh dầu từ lá xả, lá tràm…
Tại hội nghị, các đại biểu đến từ tỉnh, thành phố như Quảng Nam, Gia Lai, Bến Tre, Thành phố Hồ Chí Minh…bày tỏ đồng tình cao trong việc thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP tạo ra nhiều sản phẩm mới, nhiều người biết đến, có thương hiệu đảm bảo chất lượng tăng nguồn thu của sản phẩm ở địa phương. Qua chương trình, địa phương đã khai thác tiềm năng có sẵn và sản phẩm đã vươn xa ra thị trường trong nước và thế giới. Nhiều nơi còn phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu những mặt được và những chưa được về Chương trình OCOP thời gian qua. Theo Thứ trưởng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ điều chỉnh chỉ đạo những bảng điểm còn nhiều nội dung chưa hợp lý để trình Chính phủ.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương tập trung triển khai hiệu quả Chương trình OCOP năm 2020. Việc công nhận sản phẩm OCOP phải chú ý vùng nguyên liệu sẵn có tại địa phương, chất lượng sản phẩm, ý tưởng hình thành thương hiệu sản phẩm. Ngoài sức mạnh cộng đồng, chính quyền xã có vai trò là nơi tham gia tích cực nhất xây dựng phẩm OCOP tại địa phương. Các đối tượng tham gia Chương trình OCOP là cán bộ, chủ thể sản xuất, đơn vị tư vấn và chính quyền cơ sở.
Năm 2020 sẽ thực hiện tiêu chuẩn hóa, công nhận thêm ít nhất 1.200 sản phẩm để đạt mục tiêu 2.400 sản phẩm OCOP; tổ chức Festival/ Hội chợ OCOP quốc gia; xây dựng đề án Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 để trình Thủ tướng Chính phủ; triển khai mạng lưới kết nối chương trình OCOP khối ASEAN... ./.