Chiều 18/2, theo số liệu báo cáo của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương và Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội các cấp, tỷ lệ doanh nghiệp trong tỉnh trở lại hoạt động đạt khoảng 67,5%; số lao động trở lại làm việc tại các doanh nghiệp bình quân đạt 74,2%.
Doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp trở lại hoạt động đạt khoảng 75%, số lao động trở lại làm việc tại các doanh nghiệp này bình quân đạt 73%.
Đối với các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tỉnh, số doanh nghiệp trở lại hoạt động đạt khoảng 60% và số lao động trở lại làm việc đạt 75,5%.
[Hơn 4.500 tỷ đồng chăm lo Tết cho đối tượng chính sách và lao động]
Số doanh nghiệp, lao động chưa trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh, làm việc do các nguyên nhân như: các doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong khoảng thời gian từ ngày 19/2/2021 (mùng 8 Tết) đến ngày 26/2/2021 (15 Tết).
Một số doanh nghiệp mới trở lại hoạt động ở khối văn phòng, khối kỹ thuật, khởi công lấy ngày; doanh nghiệp nghỉ bảo dưỡng máy móc theo chu kỳ hàng năm.
Một số lao động được công ty bố trí thời gian nghỉ phép năm liền với nghỉ Tết, nghỉ chế độ thai sản; doanh nghiệp đồng ý cho người lao động được tăng thời gian nghỉ Tết.
Bên cạnh đó, nhiều lao động có khả năng nghỉ việc để tìm công việc mới phù hợp hơn hoặc ở lại địa phương để làm việc, không trở lại Bình Dương...
Các doanh nghiệp có lao động trở lại làm việc đạt trên 80% có thể kể đến như: Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cao su Dầu Tiếng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Shyang Hung Cheng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đông Nam...
Dự báo số lượng lao động cần tuyển dụng của các doanh nghiệp trong thời gian đầu năm (bao gồm nhu cầu tuyển dụng lao động mới và tuyển bù đắp số lượng lao động không trở lại làm việc) khoảng 28.000-32.000 lao động, trong đó, nhu cầu lao động phổ thông chiếm khoảng 70%.
Để đáp ứng kịp thời nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường các hoạt động về thông tin thị trường lao động; tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ 2 phiên/tháng và sàn giao dịch việc làm trực tuyến; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động nghỉ việc; đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của Trung tâm dịch vụ việc làm.
Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện việc liên kết thông tin tuyển dụng với các tỉnh có nguồn lao động để đưa lao động về Bình Dương làm việc và cung cấp thông tin tuyển dụng đến lực lượng lao động đủ độ tuổi của Bình Dương; hướng dẫn doanh nghiệp tiếp tục thực hiện tốt các chế độ tiền lương, tiền thưởng, chế độ phúc lợi nhằm giữ chân người lao động gắn bó với doanh nghiệp, đồng thời thu hút nguồn lao động đang cần tuyển.
Tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện việc vận động, tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần để người lao động xa quê ở lại Bình Dương đón Tết, đồng thời đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sau Tết; triển khai thực hiện tốt các quy định của pháp luật về lao động, việc làm...
Ngoài ra, ý thức, tác phong làm việc của người lao động ngày càng được nâng lên đã góp phần đưa người lao động trở lại làm việc đúng theo kế hoạch sản xuất của các doanh nghiệp.
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, có 500.000 lao động ngoại tỉnh ở lại Bình Dương ăn Tết.
Liên đoàn Lao động tỉnh đã đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương hỗ trợ chi từ ngân sách tặng trên 26.800 suất quà trị giá 500.000 đồng/suất cho người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tặng 1.447 suất quà cho công nhân lao động là người Bình Dương có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn./.