Trên 70% cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ không được phép hoạt động

Theo thông tin từ Cục Thú y, cả nước vẫn có 24.654 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ; trong đó chỉ có 7.362 cơ sở có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Trên 70% cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ không được phép hoạt động ảnh 1Một cơ sở giết mổ tại Long An. (Ảnh: Bùi Giang/TTXVN)

Bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y, cho biết có trên 70% cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không được chính quyền địa phương cho phép hoạt động.

Bà Nguyễn Thu Thủy đưa ra thông tin trên tại Hội nghị Kiểm soát giết mổ động vật và Triển khai thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức sáng ngày 3/6.

Cụ thể, cả nước vẫn có 24.654 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ; trong đó chỉ có 7.362 cơ sở có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

[Phạt hơn 100 triệu đồng cơ sở giết mổ động vật chứa chất cấm]

Nhiều địa phương có trên 1.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ như Nam Định, Thanh Hóa, Hải Dương… Mặc dù các địa phương này đều không phải các tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế không phải khó khăn, tuy nhiên việc kiểm soát giết mổ vẫn chưa chuyển biến tích cực do chính quyền địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đúng mức.

Trong khi đó, cũng có địa phương báo cáo không có cơ sở giết mổ nhỏ lẻ như: Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Cần Thơ. Đây là những địa phương có sự quan tâm, vào cuộc rất tích cực của chính quyền địa phương, vì vậy việc quản lý giết mổ động vật có chuyển biến rõ rệt, bà Nguyễn Thu Thủy đánh giá.

Theo Cục Thú y, hiện cả nước có 433 cơ sở giết mổ động vật tập trung đang hoạt động, có công suất giết mổ từ 50 con lợn, 200 con gia cầm trở lên/ngày; trong đó có 45 cơ sở có dây chuyền giết mổ công nghiệp.

Số lượng cơ sở giết mổ động vật tập trung còn ít bởi cơ sở giết mổ này có giá thành sản phẩm cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường (khoảng 20-30%). Sản phẩm của các cơ sở này cũng khá kén khách, chỉ tiêu thụ chủ yếu ở siêu thị, các cửa hàng tiện ích, một số bếp ăn, nhà hàng và khu công nghiệp. Do đó, số lượng tiêu thụ chưa nhiều.

Với mô hình này, cần có doanh nghiệp lớn đầu tư, tuy nhiên hiện nay rất ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, do rủi ro cao (hạn chế đầu ra, thời gian thu hồi vốn lâu, nguồn gia súc, gia cầm chưa ổn định…).

Mặt khác, các cơ sở giết mổ dây chuyền công nghiệp này đòi hỏi động vật đưa vào giết mổ có kích cỡ đồng đều nhau và vận hành dây chuyền với số lượng lớn mới đảm bảo có lãi, vì vậy rất khó để cho các hộ nhỏ lẻ thuê gia công giết mổ động vật tại đây.

Một số cơ sở hoạt động vẫn chưa hết công suất thiết kế, gây lãng phí đầu tư của doanh nghiệp và kéo dài thời gian thu hồi vốn.

Trước thực trạng trên, bà Nguyễn Thu Thủy kiến nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố rà soát, phê duyệt mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung; trong đó mỗi huyện phải có ít nhất 1 cơ sở giết mổ động vật tập trung.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là các cá nhân, tổ chức khi đầu tư vốn xây mới có sở giết mổ động vât tập trung; cùng với chính sách ưu đãi về thuế, vay vốn và đất đai.

Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 101/2020/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý phí, lệ phí trong công tác thú y theo hướng tăng mức phí kiểm soát giết mổ, đặc biệt đối với lợn và trâu, bò. Đồng thời, đề xuất tăng mức thu phí kiểm soát giết mổ đối với các cơ sở giết mổ động vật quy mô nhỏ lẻ cao hơn so với các cơ sở tập trung nhằm tiến tới xóa bỏ dần hoạt động giết mổ nhỏ lẻ. Điều này cũng giúp đảm bảo đủ nguồn thu để chi trả lương, phụ cấp cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ kiểm soát giết mổ hưởng lương từ nguồn thu.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, mất an toàn thực phẩm có thể xảy ra bất kỳ khâu nào từ quá trình chăm sóc nuôi dưỡng, thú y phòng bệnh, thu mua, sơ chế, chế biến và tiêu thụ. Do vậy, an toàn thực phẩm đòi hỏi rất chặt chẽ trong các khâu của chuỗi sản xuất.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh các tỉnh, thành phố cần tập trung vào cơ chế chính sách để thu hút nhà đầu tư vào cơ sở giết mổ. Điển hình Hà Nội đang có nhiều chính sách thu hút như về hỗ trợ hạ tầng, ưu tiên về đất đai để có cơ sở giết mổ tập trung.

Các địa phương cũng cần tăng cường nguồn ngân sách cho quản lý, đặc biệt là hệ thống thú y các cấp; tập trung chỉ đạo, giám sát 100% các cơ sở giết mổ.

Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Thú y phải tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ thú y ở cơ sở, làm tốt truyền thông và nâng cao kiểm soát các cơ sở giết mổ, những nguy cơ mất an toàn thực phẩm tại các cơ sở. Đồng thời, hợp tác quốc tế với các tổ chức quốc tế để Việt Nam có điều kiện tốt quản lý cơ sở giết mổ, đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục