Trên 58 tỷ đồng cải tạo vườn cây ăn quả kết hợp xây dựng nhãn hiệu

Cần Thơ dự kiến trích kinh phí trên 58 tỷ đồng để cải tạo, nâng chất vườn cây ăn quả tập trung gắn với mã vùng trồng, tạo điều kiện xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu trái cây Cần Thơ.
Nông dân thu hoạch nhãn tại quận Ô Môn, Cần Thơ. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Thực hiện Quyết định số 324/QĐ-TTg ngày 2/3/2020 của Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thế phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ vừa ban hành kế hoạch thâm canh và cải tạo vườn cây ăn quả kết hợp với xây dựng nhãn hiệu giai đoạn 2022-2025.

Thành phố dự kiến trích kinh phí trên 58 tỷ đồng để cải tạo, nâng chất vườn cây ăn quả tập trung gắn với mã vùng trồng, tạo điều kiện xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu trái cây Cần Thơ.

Đồng thời, thúc đẩy, tăng tính cạnh tranh sản phẩm trái cây trên thị trường, từng bước khai thác lợi thế tiêu thụ nội địa, chế biến xuất khẩu và phát triển du lịch, góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả của ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập của người dân.

[Xuất khẩu trái cây Việt: Tìm cách "mở cửa" các thị trường giá trị cao]

Để thực hiện kế hoạch đã đề ra, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè đề nghị từ năm 2022-2025, các quận, huyện trên địa bàn thành phố đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân liên kết vùng sản xuất cây ăn quả thành vùng sản xuất chuyên canh, tập trung với quy mô phù hợp (khoảng 10ha) gắn với xây dựng mã vùng trồng.

Bên cạnh đó, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật để kiến thiết, chăm sóc vườn cây ăn quả, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất.

Mặt khác, tỉnh cũng tập trung nâng chất vùng sản xuất cây ăn quả thông qua việc lồng ghép các dự án, chương trình từ ngân sách nhà nước, các tổ chức quốc tế đầu tư dự án, hạ tầng đê bao, kho bảo quản nhằm đảm bảo cấp, thoát nước vùng sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm trái cây trên địa bàn.

Đặc biệt, tỉnh tổ chức liên kết theo chuỗi nhằm đẩy mạnh liên kết, huy động nguồn lực của doanh nghiệp để phát triển vùng sản xuất tập trung trên địa bàn tạo ra sản phẩm khối lượng lớn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn và giá thành cạnh tranh.

Ông Nguyễn Ngọc Hè giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp các sở, ngành thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm trái cây thành phố Cần Thơ.

Ngoài ra, đơn vị cần liên kết các đơn vị liên quan triển khai các dự án liên kết chuỗi ngành hàng cây ăn quả trên địa bàn; phối hợp với Liên minh hợp tác xã, Hội nông dân thành phố và ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các tổ chức kinh tế tập thể...

Theo báo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, thành phố Cần Thơ gần 24.000ha trồng cây ăn quả với sản lượng hàng năm gần 170.000 tấn.

Diện tích cây ăn quả ngày càng mở rộng, hình thành một số vùng sản xuất tập trung chuyên canh với diện tích trên 10.000ha, sản lượng trên 100.000 tấn như nhãn, mận, vú sữa,... góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, gắn kết tiêu thụ, tăng lợi thế cạnh tranh và có tiềm năng lớn phát triển du lịch sinh thái.

Trình độ kỹ thuật sản xuất của người dân không ngừng nâng lên, ứng dụng công nghệ tưới phun, sử dụng phân bón hữu cơ, các giải pháp sản xuất an toàn đang hình thành và phát triển.

Chứng nhận các tiêu chuẩn VietGAP được quan tâm, thành phố có trên 477 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng được 37 mã vùng trồng với tổng số diện tích 602ha.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ, trong lĩnh vực sản xuất cây ăn quả khâu chế biến bảo quản còn hạn chế nhất định, hiện mới chỉ có 5 cơ sở đóng gói được cấp mã số.

Vào vụ thu hoạch tập trung, khó tiêu sản phẩm, nông sản được chứng nhận chất lượng truy xuất nguồn gốc còn hạn chế, sản phẩm xuất khẩu chính ngạch còn ít, xuất khẩu tiểu ngạch còn nhiều rủi ro...

Hơn nữa, việc ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực cây ăn quả chủ yếu thực hiện khâu tưới nước, khâu phun thuốc, giải pháp canh tác chưa phổ biến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục