'Tremplin pour le Vietnam,' bệ phóng tới Việt Nam của sinh viên Pháp

Dự án “Tremplin pour le Vietnam” tuy mới được triển khai từ gần 5 năm nay nhưng đã khẳng định vai trò cầu nối giữa các bạn trẻ Pháp với văn hóa và ngôn ngữ Việt.
Một buổi tọa đàm về Việt Nam do Đại học Montpellier phối hợp với chương trình 'Tremplin pour le Vietnam' tổ chức. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)

Giáo dục là một trong những lĩnh vực hợp tác mà Việt Nam và Pháp có bề dày truyền thống, trong đó giảng dạy ngôn ngữ và giới thiệu văn hóa Pháp tại Việt Nam đã được duy trì từ hàng chục năm nay.

Nhưng ngược lại, hoạt động truyền bá tiếng Việt và giới thiệu văn hóa Việt trong các trường đại học tại Pháp chưa được triển khai nhiều. Trong số đó, dự án “Tremplin pour le Vietnam” tuy mới được triển khai từ gần 5 năm nay nhưng đã khẳng định vai trò cầu nối giữa các bạn trẻ Pháp với văn hóa và ngôn ngữ Việt.

Ra mắt lần đầu tiên vào năm 2019, chương trình đào tạo văn bằng đại học về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam với tên gọi “Tremplin pour le Vietnam” (tạm dịch là “Bệ phóng tới Việt Nam”) đã thu hút sự quan tâm của không ít bạn trẻ Pháp. Ngay từ khóa đầu tiên, 20 bạn học viên đã đăng ký. Từ đó đến nay, khoảng gần 100 học viên đã theo học.

Dự án là kết quả của quá trình hợp tác giữa Đại học Paul-Valery Montpellier III và Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong đó phải kể đến vai trò điều phối đặc biệt của nhà sử học Pierre Journoud, Giáo sư của Đại học Paul-Valery Montpellier III.

Theo Giáo sư Pierre Journoud, phụ trách dự án “Tremplin pour le Vietnam,” chương trình đào tạo văn bằng này được tổ chức với sự hỗ trợ mạnh mẽ của trường Đại học Paul-Valery Montpellier III và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.

[Lan tỏa giá trị ngôn ngữ trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài]

Mục đích của chương trình là giúp cho Việt Nam được biết đến nhiều hơn đối với giới trẻ Pháp và thậm chí với cả những người lớn tuổi, vì bằng tốt nghiệp này dành cho độ tuổi từ 18 đến 78.

Ông cho biết: "Chúng tôi cố gắng dạy họ ở cấp độ đầu tiên về lịch sử, văn hóa và tiếng Việt, được coi là cửa ngõ thông dụng để đến một quốc gia được quan tâm. Sau đó, chúng tôi có cấp độ thứ hai chuyên biệt hơn: ngoài ngôn ngữ, chúng tôi tập trung vào các chủ đề văn hóa, kinh tế và môi trường... để giúp học viên hiểu rõ hơn về Việt Nam, đồng thời đào tạo những sinh viên có thể nói tiếng Việt và hiểu nguồn gốc tiếng Việt cũng như hiểu rõ hơn về tình hình của đất nước này. Và rất có thể một ngày nào đó, các học viên sẽ là những người tiếp tục thực hiện điều chúng tôi mong muốn, đó là nuôi dưỡng mối quan hệ và hợp tác Pháp-Việt."

Đại sứ Việt Nam tại Pháp gặp gỡ các sinh viên tham gia chương trình đào tạo về ngôn ngữ và văn minh Việt 'Tremplin pour le Vietnam.' (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)

Khóa học ban đầu kéo dài 1 năm, sau đó được nâng lên thành 2 năm. Trong năm thứ 2, các học viên Pháp có cơ hội đến thực tập, làm việc trong môi trường Việt Nam để đạt được hiệu quả đào tạo cao nhất. Đổi lại, chương trình cũng tiếp nhận các sinh viên Việt Nam đến trao đổi thực tập tại Pháp.

Không chỉ dạy tiếng Việt đơn thuần, văn bằng này của trường Đại học Paul Valéry Montpellier III còn giúp sinh viên trang bị cho mình một hành trang kiến thức trong rất nhiều lĩnh vực, từ lịch sử đến kinh tế, môi trường kinh doanh của Việt Nam, đến cả những vấn đề địa-chính trị trên thế giới, đúng với tên gọi của nó “Tremplin pour le Vietnam.”

Do đó, ngoài các giờ học về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam trên lớp, các học viên còn tham gia vào các buổi tọa đàm hoặc hội thảo chuyên sâu về các vấn đề kinh tế, xã hội, lịch sử và địa lý Việt Nam, hay tham gia những buổi ngoại khóa nhằm hiểu biết sâu hơn về sự hiện diện của cộng đồng người Việt trên đất Pháp. Đây chính là điểm khác biệt khiến chương trình hấp dẫn hơn các trung tâm đào tạo tiếng Việt khác.

Cho đến nay chương trình đã duy trì được 5 năm và nhận được sự đánh giá cao từ phía học viên và nhà trường. Chia sẻ với phóng viên TTXVN, ông Holtzer Gérard, một trong những học viên lớn tuổi nhất cho biết mặc dù đã 77 tuổi và về hưu được khoảng 15 năm, ông vẫn quan tâm đến chương trình của giáo sư Pierre Journoud.

Là người đã từng sống và làm việc ở Việt Nam trong khoảng 15 năm, từ 1993 đến 2005, ông đăng ký tham gia chương trình không chỉ vì để học tiếng Việt mà còn muốn tìm hiểu về lịch sử, xã hội học.

"Trong chương trình, giáo sư Pierre Journoud đã mời nhiều diễn giả có kiến thức rất sâu và chính xác về mọi mặt của đời sống ở Việt Nam, kể cả những tác động kinh tế, xã hội, tâm lý hay nhân khẩu học. Tất cả các chủ đề này đều được đề cập trong các hội nghị, các buổi tọa đàm cực kỳ thú vị và cung cấp nhiều kiến thức về Việt Nam hơn những kiến thức có thể có được nếu chỉ qua đọc sách báo," ông khẳng định.

Với cô gái trẻ Cathy Monarque, chương trình "Tremplin pour le Vietnam" là một khóa đào tạo rất phong phú vì chương trình không chỉ cung cấp nền tảng về kiến thức lịch sử mà cả ngôn ngữ.

Theo cô, phương pháp luận cũng khá đổi mới nên giúp học viên tiếp cận nhanh và có đủ từ vựng, đủ công cụ ngôn ngữ để có thể học tốt tiếng Việt và tương tác với mọi người hàng ngày. Cô bật mí sẽ quay lại Việt Nam trong vài tháng nữa và có thể áp dụng những bài học này vào thực tế.

Sinh viên Maxime Ghazarian lại nhận thấy thông qua chương trình này, anh có cơ hội gặp gỡ nhiều người, xây dựng những mối quan hệ bạn bè, với cả người Pháp và người Việt Nam. Maxime Ghazarian cho biết đang làm luận văn về quan hệ giữa EU và Việt Nam: "Nhờ khóa đào tạo này tôi đã tiến bộ về tiếng Việt, và có thể tìm hiểu các tài liệu ở Việt Nam về mối quan hệ này và cả ở châu Âu. Tôi hoàn toàn không hối hận khi chọn chương trình đào tạo này."

Là một đối tác Việt Nam, thường tiếp nhận các sinh viên của chương trình "Tremplin pour le Vietnam" sang thực tập, bà Đàm Minh Thủy, Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn minh Pháp Đại học Ngoại ngữ-Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết hàng năm khoa vẫn tiếp nhận sinh viên Pháp thực tập tại Việt Nam.

Một buổi hội thảo về 50 năm quan hệ Việt-Pháp do Đại học Montpellier phối hợp với chương trình 'Tremplin pour le Vietnam' tổ chức. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)

Theo đánh giá của bà Minh Thủy, đây là một chương trình hiệu quả giúp cho các bạn trẻ Pháp yêu Việt nam có điều kiện tìm hiểu hơn về văn hóa Việt Nam, và cũng là cơ hội tốt để những người Pháp gốc Việt tìm về cội nguồn của mình.

Với tham vọng biến chương trình thành một công cụ để giúp cho những sinh viên mong muốn khám phá Việt Nam có được hành trang kiến thức đầy đủ thông qua đào tạo trực tiếp hoặc từ xa và dễ tiếp cận cho mọi người, giáo sư Pierre Journoud khẳng định: "Hiện tại, chương trình đang hoạt động tốt vì chúng tôi có đủ số lượng sinh viên mỗi năm để tiến hành đào tạo và cấp văn bằng. Đặc biệt là với những sinh viên đã đến khám phá Việt Nam, họ rất vui và mong muốn được quay lại càng sớm càng tốt. Có thể nói đây là một mô hình hợp tác hiệu quả và tôi hy vọng sẽ phát triển hơn nữa"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục