Theo chuyên gia người Mỹ Michelle Pietzak thuộc Khoa Lâm sàng Đại học Nam California, các nước đang phát triển có tỷ lệ trẻ sơ sinh có nguy cơ bị dị ứng cao.
Trong bài thuyết trình mới đây về vấn đề dị ứng ở trẻ sơ sinh tại Khoa Y, Đại học Indonesia ở Jakarta, bà Michelle Pietzak cho biết tỷ lệ trẻ sơ sinh có nguy cơ bị dị ứng ở Indonesia khá cao, lên tới 30%, nghĩa là cứ một trong ba trẻ sơ sinh ở đất nước “Vạn Đảo’ có xu hướng bị dị ứng vì các yếu tố khác nhau, trong đó nhất là yếu tố môi trường.
Theo bà Michelle Pietzak, trên cơ sở các ca bệnh đã được điều trị tại Mỹ, viêm da dị ứng là bệnh dị ứng phổ biến nhất đối với trẻ sơ sinh.
Bà Michelle Pietzak giải thích viêm da dị ứng là một loại rối loạn da mạn tính bao gồm phát ban, da có vảy, ngứa, và đây loại rối loạn rất phổ biến và thường xảy ra với da của trẻ sơ sinh, nhất là trên mặt, khuỷu tay và đầu gối.
Các chất gây ra dị ứng có thể rất khác nhau, trong đó yếu tô môi trường có thể là một nguyên nhân, song số liệu thống kê cho thấy đang nổi lên một vấn đề đáng báo động: đó là có tới 60% số ca dị ứng ở trẻ sơ sinh là do các thành phần nhạy cảm trong thức ăn của trẻ. Vì vậy, quan tâm, theo dõi chặt chẽ chế độ ăn uống và thành phần thực phẩm là rất quan trọng trong việc phòng chống dị ứng ở trẻ sơ sinh.
Trong một động thái liên quan, chuyên gia miễn dịch Zakiudin Munasir thuộc Bệnh viện Cipto Mangunkusumo của Indonesia cho biết xu hướng dị ứng trẻ sơ sinh ở nước này hiện nay đã tăng gần gấp ba lần so với cách đây một thập kỷ, và động thái này diễn ra song hành với tình trạng giảm sút chất lượng môi trường./.
(Vietnam+)