Trẻ sinh ra dễ bị trầm cảm nếu thai phụ nhiễm ​herpes sinh dục

Trong nghiên cứu mới nhất công bố, một nhóm nhà khoa học Mỹ và Na Uy cảnh báo những phụ nữ bị lây nhiễm herpes (mụn rộp) sinh dục khi mang thai có nguy cơ sinh ra con mắc bệnh tự kỷ cao gấp 2 lần.
Trẻ sinh ra dễ bị trầm cảm nếu thai phụ nhiễm ​herpes sinh dục ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Trong nghiên cứu mới nhất công bố ngày 22/2, một nhóm nhà khoa học Mỹ và Na Uy cảnh báo những phụ nữ bị lây nhiễm herpes (mụn rộp) sinh dục khi mang thai có nguy cơ sinh ra con mắc bệnh tự kỷ cao gấp 2 lần.

Nghiên cứu trên, được công bố trên tạp chí khoa học mSphere (Mỹ), là công trình đầu tiên cho thấy sự phản ứng của hệ miễn dịch trong cơ thể người mẹ đối với nhiễm trùng có thể gây tác động tiêu cực đối với sự phát triển của bộ não bào thai, từ đó có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tự kỷ ở trẻ nhỏ sau khi sinh.

Theo nhà nghiên cứu trưởng Milada Mahic thuộc Viện Sức khỏe cộng đồng Na Uy, việc hệ miễn dịch của các thai phụ phản ứng với sự nhiễm trùng khi mắc herpes sinh dục có thể cản trở quá trình phát triển của hệ thần kinh trung ương của thai nhi, điều này làm tăng nguy cơ mắc chứng tự kỷ ở trẻ.

Để tìm mối liên hệ giữa bệnh tự kỷ và sự nhiễm trùng từ người mẹ, các nhà khoa học đã tiến hành xét nghiệm 5 mẫu mầm bệnh có nguy cơ cao để lại di tật ở trẻ, gồm nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma gondii, vius rubella, virus cytomegalo, và herpes dạng đơn (HSV) tuýp 1 và herpes dạng đơn tuýp 2.

Tiếp đó, các nhà khoa học so sánh mẫu máu của 412 người mẹ có con bị chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ với mẫu máu của 463 người mẹ có con khỏe mạnh. Tất cả mẫu máu này đều được lấy từ khi người mẹ mang thai ở tuần thứ 18 cho đến lúc sinh.

Kết quả cho thấy trong 5 mẫu mầm bệnh trên, chỉ có các kháng thể phản ứng với virus herpes dạng đơn tuýp 2 được xác định là có mối liên hệ gây ra nguy cơ cao mắc bệnh tự kỷ.

Các nhà khoa học cho biết nguy cơ này chỉ bộc lộ rõ vào thời điểm hệ miễn dịch của phụ nữ mang thai ở giai đoạn đầu phản ứng với sự nhiễm trùng do herpes sinh dục.

Đây cũng trùng vào giai đoạn hệ thần kinh của thai nhi phát triển nhanh chóng. Sự tác động này ảnh hưởng đến não bộ và để lại di chứng sau khi trẻ được sinh ra.

Theo Giám đốc Trung tâm Nhiễm trùng và Miễn dịch tại Đại học Columbia W. Ian Lipkin, phần lớn các trường hợp bị bệnh tự kỷ đều chưa rõ nguyên nhân, tuy nhiên có bằng chứng cho thấy các yếu tố về môi trường và gien có liên quan đến căn bệnh này.

Ông cho rằng, công trình nghiên cứu trên cho thấy khả năng về sự nhiễm trùng và sưng tấy do nhiễm virus dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tự kỷ ở trẻ.

Herpes sinh dục hay còn gọi là mụn rộp sinh dục là bệnh nhiễm trùng đường sinh dục do virus herpes simplex (HSV) gây ra.

Nguyên nhân gây bệnh là do virus lây truyền trực tiếp vào cơ thể qua những lỗ hổng trên da do bị trầy xước hoặc có thể lây nhiễm do tiếp xúc với những bộ phận nhiễm bệnh khác của cơ thể.

Bệnh herpes sinh dục từ mẹ có thể gây biến chứng nặng nề cho trẻ sơ sinh như viêm màng não, viễm phổi, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Thống kê cho thấy, tại Mỹ, cứ 5 phụ nữ thì có 1 người bị nhiễm herpes sinh dục./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục