Theo một nghiên cứu của Đại học Chicago (Mỹ), ngay từ rất sớm - khoảng 7 tuổi - trẻ em đã bắt đầu phân tích và dự báo cách hành xử trong tương lai của bạn đồng trang lứa thông qua những phát biểu của các em này về một vấn đề mang tính đạo đức.
Nghiên cứu dựa trên một loạt thực nghiệm được tiến hành với hơn 400 em nhỏ trong độ tuổi 4-9 tuổi.
Trong thực nghiệm đầu tiên, các em được thông báo về hai bạn đồng trang lứa, trong đó em thứ nhất lên án việc ăn trộm và em thứ hai đưa ra tuyên bố mang tính trung lập. Yêu cầu đối với các em tham gia thực nghiệm này hãy dự đoán xem sau này, em thứ nhất hay em thứ hai sẽ dễ trở thành kẻ ăn trộm hơn và nếu cả hai cùng ăn trộm, thì em nào sẽ đáng bị phạt nặng hơn.
[Bé gái 7 tuổi dậy thì sớm vì bật đèn lúc ngủ suốt 3 năm]
Với thực nghiệm thứ hai, các em được yêu cầu so sánh giữa hai bạn - một bạn lên án việc ăn trộm và bạn còn lại thì có thái độ cảm thông với người thực hiện hành vi này. Các em cũng được lấy ý kiến về việc người ăn trộm nhưng không thừa nhận hành vi sai trái này.
Trong các thực nghiệm, so với các em tham gia ở độ tuổi 4-6, các em từ 7-9 tuổi có xu hướng nhiều hơn đánh giá việc lên án hành vi ăn cắp như một dự báo về hành vi trong tương lai.
Thực nghiệm cuối cùng yêu cầu các em đưa ra ý kiến về hai bạn - một ca ngợi hành vi ăn trộm và bạn kia thì lên án. Với tình huống đánh giá này, cả hai nhóm trẻ 4-6 và 7-9 tuổi đều cho rằng bạn tung hô hành động trộm cắp sau này sẽ dễ trở thành kẻ ăn trộm.
Ở các thực nghiệm này, các nhà nghiên cứu không thu thập các thông tin về nhân chủng học, ngoại trừ các thông tin về độ tuổi và giới tính. Tuy nhiên, không có sự khác biệt đáng kể trong kết quả thực nghiệm do yếu tố giới tính quyết định.
Theo nghiên cứu sinh tại Đại học Chicago, Hannah Hok - đồng tác giả của nghiên cứu, qua phân tích kết quả các thực nghiệm, giới chuyên gia nhận thấy trẻ em ở độ tuổi 4-9 thường suy nghĩ một cách khá gay gắt về những bạn có hành vi sai trái và quan tâm nhiều đến vấn đề uy tín sau này ngay từ khi còn khá nhỏ.
Trong khi đó, ông Alex Shaw, đồng tác giả nghiên cứu trên và là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu sự phát triển tâm sinh lý ở trẻ nhỏ, nhận xét trẻ em hiểu rằng cần trừng phạt nghiêm khắc những người mà lời nói không đi đôi với hành động, đặc biệt liên quan tới các nguyên tắc đạo đức.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Child Development số ra tuần này./.