Bé gái Tasneem al-Nahal, 13 tuổi, nằm trong một nhà xác ở bệnh viện Shifa, Gaza, vẫn mặc bộ quần áo mào hồng và xanh mà em đang mặc khi trúng đạn không kích của Israel và thiệt mạng. Vài giờ trước, em đang ở ngoài bờ biển, chơi với những người hàng xóm dưới bầu trời xanh Địa Trung Hải. Nhưng khi đợt không kích xảy ra, một mảnh đạn pháo đã bắn vào đầu em, máu đã nhuộm đỏ vỉa hè ngay trước nhà Tasneem. Cuộc xung đột mở màn cách đây một tuần giữa Israel và các nhóm vũ trang Gaza đã khiến ít nhất 23 trẻ em thiệt mạng, theo Trung tâm nhân quyền Palestine, những người vô tội ngã xuống trong một cuộc chiến mà các em gần như không hiểu. Hàng trăm em khác đã bị thương, và với những em thoát khỏi đau đớn thể xác vì cuộc chiến, gánh nặng tâm lý vẫn là rất lớn. Nhiều bé bị khủng hoảng thần kinh vì những gì các em thấy và nghe, kinh hoàng vì đợt không kích liên tiếp và không thể hiểu được cảnh tượng bạo lực và chết chóc xung quanh. Tại quận Sheikh Radwan ở Gaza City, ngay trước buổi trưa, một đám tang đi về phía một nhà thờ Hồi giáo, nơi những người cầu nguyện đến đọc kinh cho các thi thể của gia đình Dallu. Ít nhất tám thành viên gia đình này thiệt mạng trong một đợt không kích hôm Chủ nhật. Thi thể của các đứa con nhà Dallu, quấn trong quốc kỳ Palestine, với khuôn mặt đã xám đi vì mất máu, được những người thân đưa đi trong tiếng than khóc xung quanh. “Trẻ em bắn tên lửa bao giờ?” một người đàn ông hét lên nghe lạc giọng. “Chưa bao giờ!” Đám đông đáp lại. Trong nhà thờ, các thi thể được đặt xuống để nghi lễ được tiến hành, và những em bé tò mò tìm cách chen vào đám đông để nhìn các xác chết. Trên một thi thể, người thân đã đính lên một tấm ảnh bé gái tươi cười từng chạy nhảy ở không xa nhà thờ này cách đây không lâu. Bên ngoài, một số em nhỏ tụ tập, vẫy những lá cờ xanh của Hamas. Trong lúc họ đang đợi buổi cầu nguyện kết thúc, bỗng nhiên không khí rung chuyển, khiến mọi người phải cuối rạp xuống. Âm thanh của hai quả tên lửa phóng về phía Israel, để lại làn khói trắng sau đuôi.
“Trẻ em bắn tên lửa bao giờ?” một người đàn ông hét lên nghe lạc giọng (Nguồn: AFP)
“Bọn cháu không muốn chiến tranh, sợ lắm”, Mohammed Radwan, 12 tuổi, nói lí nhí. “Khi nghe thấy bom, cháu chui xuống dưới trường kỷ và bịt tay bằng gối. Cháu cố trốn càng lâu càng tốt. Cũng có khi cháu chạy lại ôm mẹ”. Ezzedine Hussein, 13 tuổi, ban đầu không sợ hãi như Radwan. Cậu đứng lên cao hơn hết thảy các bé khác, rồi bắt đầu nói với đôi mắt xanh sáng quắc: “Chúng tôi muốn nói với những kẻ Do Thái: Chúng tôi không sợ, chúng tôi bảo vệ đất đai của mình.” Nhưng sau đó, cậu thừa nhận những vụ nổ làm rung chuyển Gaza khiến cậu thấy hãi hùng. “Chiến tranh làm chúng cháu sợ, khiến trẻ con và bạn bè chúng cháu chết,” cậu nói. Anh trai của Mohammed, Rushi, nhìn nhỏ hơn so với tuổi 15, nói cậu từng biết những đứa trẻ nhà Dallu. “Họ cũng sống ở khu này,” cậu nói. Nhà tâm lý học Hassan Zeyada, từng làm việc với Chương trình y tế thần kinh cộng đồng Gaza từ năm 1991, nói trẻ em là đối tượng dễ tổn thương nhất trong chiến tranh. “Tất cả những gì có thể hỗ trợ cho người lớn, các mạng lưới xã hội, kinh nghiệm sống…, trẻ em đều không có”, ông nói với AFP. Với nhiều trẻ em Gaza, đợt xung đột này là cuộc chiến thứ hai các em phải trải qua, sau chiến dịch 22 ngày vào cuối tháng 12/2008 của Israel khiến 1.400 người Palestine thiệt mạng ở Gaza. Tổ chức của Zeyada dự tính cử một nhóm can thiệp khủng hoảng tới Gaza, nhưng những cố gắng của họ sẽ rất khó triển khai. “Vấn đề là không ai có thể đảm bảo những cuộc xung đột như thế này sẽ không tái diễn,” ông nói./.
Trần Trọng (Vietnam+)