Ngày 22/8, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) bày tỏ lo ngại sâu sắc về vấn nạn trẻ vị thành niên bị ép buộc tham gia vào các vụ tấn công, đặc biệt là đánh bom liều chết, tại miền Đông Bắc Nigeria ngày càng gia tăng.
Phóng viên TTXVN tại Geneva, Thụy Sĩ, dẫn số liệu của UNICEF cho biết kể từ đầu năm nay, đã có 83 vụ tấn công liều chết có yếu tố trẻ em, đa số là các em gái (55/83 em).
Theo UNICEF, đến thời điểm này, số lượng các cuộc tấn công liều chết có sự tham gia của trẻ em đã tăng lên gấp 4 lần so với tổng số các vụ việc tương tự xảy ra trong cả năm ngoái. Trong nhiều vụ, nhóm Hồi giáo vũ trang cực đoan Boko Haram lên tiếng nhận chủ mưu.
Lên án hành động tàn bạo này, UNICEF nhấn mạnh trẻ em không phải là thủ phạm mà là nạn nhân chính của những vụ tấn công này. UNICEF cũng cảnh báo việc ép buộc trẻ em tham gia các hành vi bạo lực, tấn công khủng bố đã gây tâm lý lo sợ, nghi ngờ trong cộng đồng dân cư.
Hậu quả là nhiều trẻ phải đối mặt với sự xa lánh của cộng đồng, dẫn đến những hoàn cảnh đau khổ khác.
UNICEF và các đối tác đang làm việc với nhà chức trách Nigeria để hạn chế những tổn thương tâm lý ở những đối tượng trẻ em là nạn nhân của phiến quân, hỗ trợ và chăm sóc những em mồ côi, không còn người thân, giúp các em sớm tái hòa nhập cộng đồng.
[Áo gài bom phát nổ sớm, 30 tay súng Taliban chết tại chỗ]
Liên hợp quốc cũng hỗ trợ các hoạt động hòa giải ở vùng Đông Bắc Nigeria do các nhà lãnh đạo cộng đồng và tôn giáo có uy tín thực hiện để thúc đẩy sự khoan dung và tái hòa nhập.
Tội ác ép buộc trẻ em tham gia tấn công bạo lực và liều chết khiến tình hình nhân đạo vốn đã rất đáng lo ngại ở Nigeria thêm trầm trọng.
Cuộc xung đột ở Đông Bắc Nigeria đã buộc khoảng 1,7 triệu trẻ em rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, 85% số này là các em ở bang Borno - nơi đã thường xuyên xảy ra các vụ tấn công liều chết.
Khu vực này của Nigeria là một trong những vùng cùng với 3 quốc gia nữa là Somalia, Nam Sudan và Yemen có nguy cơ bị nạn đói đe dọa.
Hiện nay, vùng Đông Bắc Nigeria đã có tới 450.000 trẻ em có nguy cơ bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng./.