Trật tự trên biển: An ninh hàng hải của khu vực Đông Nam Á

Những nỗ lực duy trì và xây dựng trật tự tốt trên biển dường như vẫn xếp sau những mối quan tâm truyền thống về chính trị quyền lực, trên phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng lowyinstitute.org, cho dù bạn định nghĩa “trật tự tốt” trên biển theo cách nào đi chăng nữa, thật khó để không cảm thấy bi quan về tương lai của nó.

Một loạt báo cáo từ các tác giả nổi tiếng như Ian Urbina hoặc các tổ chức bảo vệ môi trường như Greenpeace và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) cho thấy có nhiều lý do để tin rằng các vùng biển đang ở trong tình trạng khủng hoảng và nhân loại hiện không còn nhiều thời gian để khắc phục nó.

Đây là một vấn đề mang tính toàn cầu, như chiến lược gia nổi tiếng Halford Mackinder đã cảnh tỉnh chúng ta trước Chiến tranh Thế giới thứ nhất khi ông viết “sự thống nhất của đại dương là thực tế vật lý đơn giản làm cơ sở cho giá trị của sức mạnh trên biển trong thế giới hiện đại.”

Các vùng biển được nối liền với nhau, vì vậy những gì xảy ra trên đó và đối với nó ở một khu vực sẽ sớm hay muộn ảnh hưởng đến tất cả các khu vực còn lại. Không một khu vực nào trên thế giới có thể bị cô lập với các khu vực khác.

Về mặt hoạt động, số lượng và tính hiệu quả của các nguồn lực dành cho việc giám sát các biển và đại dương trên thế giới rõ ràng là không đủ. Ở Đông Nam Á, các quốc gia quần đảo như Philippines và Indonesia phải đối mặt với những thách thức đặc biệt về vấn đề này, nhưng đó cũng là thách thức chung trong toàn khu vực.

Một vấn đề khác là các nước không có đủ quy định và luật pháp để đối phó với các loại tội phạm hàng hải khác nhau - điều làm phức tạp sứ mệnh bắt giữ và truy tố thành công những kẻ phạm tội trên biển.

[ASEAN-Nga ra tuyên bố chung đảm bảo an ninh hàng hải và hàng không]

Như hội nghị về khí hậu COP26 ở Glasgow đã nhắc nhở chúng ta, những nỗ lực duy trì và xây dựng trật tự tốt trên biển dường như vẫn xếp sau những mối quan tâm truyền thống về chính trị quyền lực, trên phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Ngay cả khi đối mặt với đại dịch COVID-19 toàn cầu, chúng ta đã thấy các hành động tập thể bị hạn chế bởi các cân nhắc lợi ích quốc gia. Dự đoán của chúng ta cách đây nhiều thập kỷ về vai trò giảm sút của quốc gia trong một thế giới ngày càng toàn cầu hóa đã được chứng minh là sai lầm.

Sự nhạy cảm về chủ quyền quốc gia đặc biệt rõ ràng ở các vùng biển có quyền tài phán bị tranh chấp, rõ ràng nhất nhưng không chỉ giới hạn ở Biển Đông. Kết quả là việc duy trì trật tự tốt trên biển, mặc dù là nhằm phục vụ lợi ích của mọi người, nhưng có khả năng bị suy yếu bởi những quan niệm về lợi ích quốc gia.

Tuy nhiên, hiện có một số dấu hiệu đáng hy vọng. Lấy ví dụ, Singapore đã thành lập Trung tâm tổng hợp thông tin. Cơ quan này đã thành công trong việc tạo điều kiện xác định và ngăn chặn hoạt động vận chuyển nghi ngờ. Họ cũng phát triển các sỹ quan liên lạc quốc tế và liên kết với các trung tâm khác.

Trên toàn khu vực, chúng ta có thể nhận thấy sự thành lập của lực lượng tuần duyên và cơ quan thực thi pháp luật hàng hải (MLEA) như phiên bản gần đây ở Malaysia và BAKAMLA (Cơ quan An ninh Hàng hải) ở Indonesia.

Ngày càng nhiều quốc gia thừa nhận nhu cầu phải hành động tập thể để giải quyết các vấn đề tập thể, như được thể hiện qua việc dàn xếp Đội tuần tra eo biển Malacca và hệ thống ba bên phối hợp hoạt động ở Biển Sulu.

Các quốc gia bên ngoài có thể hỗ trợ các nỗ lực xây dựng năng lực ở Đông Nam Á. Lực lượng tuần duyên Đông Nam Á và MLEA sẽ hoan nghênh việc các nước bên ngoài cung cấp các cảm biến và vũ khí cần thiết để đảm bảo trật tự trên biển.

Các tài sản đó cần phải đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ và quan trọng nhất là có thể được duy trì. Hậu quả kinh tế của COVID-19 và mong muốn điều chuyển các nguồn lực sang xây dựng khả năng chiến đấu do căng thẳng quốc tế có thể làm trầm trọng thêm vấn đề về tài nguyên.

Các quốc gia bên ngoài cũng có thể đóng góp vào nhận thức về lĩnh vực hàng hải. Việc có được thông tin cần thiết trong thời đại của những “hạm đội bóng tối” và biến nó thành thông tin tình báo là rất khó và đòi hỏi sự hợp tác toàn cầu.

Tất cả những điều này sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu các nước bên ngoài duy trì sự hiện diện mang tính xây dựng của các quân nhân và khí tài hải quân. Do đó, việc triển khai thường xuyên hai tàu tuần tra của Hải quân Hoàng gia Anh, HMS Tamar và HMS Spey, đồng thời nâng cao vai trò của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ và Nhật Bản trong khu vực là những bước đi đúng hướng, tương tự như các nỗ lực của Australia và New Zealand ở Nam Thái Bình Dương, đặc biệt là chương trình tàu tuần tra khu vực của họ.

Tựu chung lại, những đóng góp của bên ngoài vào việc duy trì trật tự tốt trên biển của khu vực chắc chắn sẽ giúp ích và nên được tiến hành ngay lập tức./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục