Chúng ta đang sống trong một trật tự quốc tế như thế nào?

Trật tự nào sẽ thay thế cho hệ thống quốc tế tự do?

Một thế giới mà trong đó tồn tại sự đối đầu và cạnh tranh của hai khối khác biệt về hệ tư tưởng để giành bá quyền trong một thế giới hậu chủ nghĩa thực dân giờ đây dường như đã chìm vào dĩ vãng.
Trật tự nào sẽ thay thế cho hệ thống quốc tế tự do? ảnh 1Toàn cảnh một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tình hình Ukraine tại New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng thehill.com, ý kiến cho rằng chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên mới và khác biệt trong lịch sử quan hệ quốc tế là điều rõ ràng.

Đã qua từ lâu kỷ nguyên lưỡng cực của Chiến tranh Lạnh. Thật vậy, một thế giới mà trong đó tồn tại sự đối đầu và cạnh tranh của hai khối khác biệt về hệ tư tưởng để giành bá quyền trong một thế giới hậu chủ nghĩa thực dân giờ đây dường như đã chìm vào dĩ vãng.

Giờ đây, chúng ta đang sống trong một trật tự quốc tế không phải là lưỡng cực cũng không phải là đơn cực. Thay vào đó, chúng ta đang sống trong một trật tự có lẽ được miêu tả tốt nhất là trật tự đa cực song thiên về bản chất là lưỡng cực và những dấu vết của đơn cực ở giai đoạn cuối. Đó là một trật tự quốc tế khác với những trật tự trước đó.

Đây cũng là một trật tự quốc tế đang tạo ra những lực lượng địa chính trị rất riêng biệt. Chính những lực lượng địa chính trị mới hình thành này đang gây áp lực buộc các quốc gia phải hành động theo những cách nhất định, đồng thời gây sức ép để ngăn cản những nước này hành động theo những cách khác.

[Căng thẳng Nga-Ukraine: Bước ngoặt của sự phát triển trật tự thế giới]

Tuy nhiên, nếu cho rằng những lực lượng địa chính trị mới này là điều hiển nhiên và rõ ràng, thì ý kiến đó là sai lầm.

Những nhận thức về định dạng của trật tự địa chính trị mới và đặc biệt này vẫn mơ hồ. Sự tồn tại cụ thể của trật tự mới này bị che khuất bởi hàng loạt những khái niệm, khuôn khổ và giá trị vốn được hình thành trong những bối cảnh địa chính trị cũ song vẫn tồn tại vững chắc cho đến ngày nay.

Nói cách khác, trật tự mới này vẫn là một "ẩn số". Mặc dù vậy, cần thừa nhận rằng nhiều người đã không thể nhận thức sâu rộng và đầy đủ về những thực tế địa chính trị hiện tại đang diễn ra hiện nay.

Nếu chỉ đơn thuần lắng nghe những thế lực chính trị và giới học giả nói về những gì còn lại của Chiến tranh Lạnh và những cách nói ví von liên quan đến Chiến tranh Lạnh hoặc về trật tự quốc tế tự do, thì người ta dễ dàng tin rằng trật tự thế giới hiện nay vẫn đi theo những xu hướng chồng lấn của đơn cực và lưỡng cực ngay cả khi hai xu hướng này không còn liên quan gì đến những vấn đề địa chính trị mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay. Và đây chính là một vấn đề nghiêm trọng về nhận thức.

Như nhà sử học và nhà nghiên cứu lý thuyết quan hệ quốc tế người Anh E.H. Carr lập luận từ lâu rằng một trong những nguyên nhân chính gây ra Chiến tranh Thế giới thứ hai là do không nhận thức được những thực tế địa chính trị của thế kỷ 19. Chính điều này đã mở đường để tạo ra những lực lượng địa chính trị khác trong thế kỷ 20.

Vậy những thực tế địa chính trị này là gì? Thực tế đầu tiên và quan trọng nhất là chúng ta không còn sống trong một thế giới đơn cực nữa. Đã qua cái thời bá quyền của Mỹ hậu Chiến tranh Lạnh.

Thay vào đó, một thời kỳ mới đã xuất hiện, trong đó, những tàn dư về vai trò thống trị của Mỹ đối với các thể chế quốc tế vẫn tồn tại song song với sự nổi lên của Trung Quốc với tư cách là một cường quốc thứ hai không thể thiếu, sự tồn tại lâu đời của Nga với tư cách là một cường quốc suy tàn và sự nổi lên của các cường quốc khác (gồm Ấn Độ) vốn không chỉ đóng vai trò thống trị trong khu vực hẹp của họ, mà còn là những quốc gia sẽ định hình nền chính trị toàn cầu một cách rộng rãi hơn.

Thứ hai, chúng ta không còn sống trong một thế giới được xác định bởi các chuẩn mực, quy tắc và thể chế của trật tự quốc tế tự do (gần đây được đổi tên thành “trật tự quốc tế dựa trên quy tắc” để thừa nhận một phần những thay đổi địa chính trị đã diễn ra).

Chúng ta đã trở nên rất quen với lối tư duy và thảo luận theo kiểu thế giới này đang được điều hành bằng một hệ điều hành duy nhất - một hệ thống được thiết lập dựa trên những quy tắc tự do dân chủ, thị trường tự do, nhân quyền, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Thế nhưng, hệ thống đó vốn được Mỹ xây dựng từ năm 1945 và hoàn toàn trở thành hệ thống của riêng Mỹ sau khi Liên Xô tan rã hồi năm 1991, đang nhường chỗ cho một hệ thống mới và khác biệt về số lượng các lực lượng địa chính trị tham gia.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thể xác định "diện mạo" của hệ thống mới nói trên. Có một điều chắc chắn là nhiều người vẫn ảo tưởng hoài niệm rằng hệ thống thế giới hiện nay vẫn là hệ thống của những năm 1990 mặc dù những luật lệ mới, tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy tắc khác liên quan đến chính trị thế giới sẽ bị xáo trộn trong những năm tới, phản ánh lợi ích và giá trị của Trung Quốc cũng nhiều như những giá trị và lợi ích của Mỹ.

Cuối cùng, chúng ta chắc chắn nhất không sống ở giai đoạn cuối của lịch sử. Thay vào đó, chúng ta đang bước vào thời kỳ tiếp tục chứng kiến những cuộc chiến tranh chinh phục, trong khi những ý tưởng về hợp tác sẽ thay thế cạnh tranh, toàn cầu hóa sẽ tạo ra sự hài hòa và cả thế giới sẽ tiến tới một thời kỳ thịnh vượng, tự do và hòa bình ở quy mô rộng lớn sẽ chỉ là giấc mơ không tưởng của nhiều người trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.

Nói cách khác, thời đại mới mà chúng ta đang bước vào vẫn sẽ tồn tại những khó khăn, thách thức, vẫn tiềm ẩn cạnh tranh và xung đột, những cường quốc sẽ tiếp tục suy thoái nhưng không bị triệt tiêu.

Khi cán cân quyền lực toàn cầu chắc chắn quay trở lại những khuôn khổ và định dạng đa cực, thì những thực tế địa chính trị nói trên sẽ lại xuất hiện với những hậu quả không kém phần nghiêm trọng.

Cùng với những thực tế nói trên là sự tồn tại của những xu hướng chiến tranh, nạn đói và các cuộc chinh phục sức mạnh vốn thường xuyên xảy ra trong đời sống chính trị toàn cầu cũng sẽ tiếp tục nổi lên.

Sau đó, những xu hướng và thực tế trên tạo thành những đường nét cơ bản của thời điểm hậu đơn cực hiện nay. Giờ đây, cũng như trong những năm giữa các cuộc chiến, sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng những khái niệm và nhận thức của một thời đại trước đó sẽ trở thành công cụ giúp chúng ta vượt qua thực tế địa chính trị mới để có thể duy trì một số hình thái hòa bình.

Chiến tranh Lạnh đã qua lâu và kỷ nguyên "Hòa bình kiểu Mỹ" thời hậu Chiến tranh Lạnh đã không còn tồn tại. Chúng ta cần thừa nhận thực tế này để phát triển những nhận thức và khái niệm phù hợp với thời đại ngày nay.

Điều quan trọng là chúng ta cần làm ngay lúc này bởi chúng ta đã trải qua một nửa chặng đường trong cuộc khủng hoảng kéo dài 20 năm qua và nếu quá khứ đem lại bất kỳ bài học nào, thì đó chính là bài học về thời gian. Chúng ta có thể không còn nhiều thời gian nữa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục