Theo mạng tin eastasiaforum.org, tháng Năm vừa qua, các tướng lĩnh hải quân và chuyên gia về hàng hải từ khắp nơi trên thế giới đã tụ họp tại Singapore để tham dự Hội nghị An ninh Hàng hải Quốc tế (IMSC) lần thứ 6.
Hội nghị được tổ chức 2 năm một lần này là một phần trong Hội nghị và Triển lãm Hàng hải Quốc phòng (IMDEX châu Á), được biết đến như cuộc phô trương sức mạnh quốc phòng hàng hải quốc tế hàng đầu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Vẻ hào nhoáng của những hội nghị này cũng không thể che dấu được sự thật rằng hầu như không có việc thực hiện cụ thể nào.
IMSC 2019 đã nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận rõ ràng từ các đại biểu quốc tế và những người tham dự về nhu cầu cần củng cố trật tự hàng hải dựa trên luật pháp. Có một số điều đáng lưu ý về các cuộc thảo luận tại hội nghị này.
Đầu tiên, quan điểm chung của những người tham dự hội nghị về nhu cầu cần có một trật tự luật pháp vững mạnh và ý chí tập thể để duy trì và củng cố nó là điều rất rõ ràng.
Trọng tâm của IMSC năm nay tập trung nhiều vào vấn đề nguyên tắc hơn là sức mạnh, bất chấp sự hiện diện của các lực lượng hải quân hùng mạnh nhất trên thế giới. Những nguyên tắc trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) đã được các đại biểu nhấn mạnh nhiều nhất.
Những người tham dự hội nghị liên tục nêu ra quan điểm rằng biển là một không gian hàng hải chung và việc sử dụng biển một cách "tự do và công bằng" chỉ có thể được đảm bảo khi tất cả các bên ký kết tuân thủ triệt để UNCLOS.
Điều quan trọng là việc tuân thủ toàn bộ UNCLOS đã được nhấn mạnh chứ không chỉ là sự tuân thủ có lựa chọn như một số bên đã thể hiện - bao gồm những tuyên bố chủ quyền của một số nước trong khu vực không tuân thủ theo các điều khoản của UNCLOS.
Thứ hai, các đại biểu tham dự hội nghị đã đề cao nhu cầu cần đưa ra và thực hiện đầy đủ các biện pháp cụ thể để hỗ trợ trật tự luật pháp. Hiện nay ngày càng có nhiều các cuộc tập trận hàng hải của các lực lượng hải quân trong khu vực nhằm giúp hiểu rõ hơn về Bộ Quy tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES).
Trong số đó có cuộc tập trận của các lực lượng hải quân các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với Hải quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) năm 2018 và một cuộc tập trận khác với Hải quân Mỹ vào cuối năm 2019.
[Singapore: Các nước cần đồng thuận thực hiện các quy tắc chung về biển]
Các đại biểu tham dự hội nghị đã tranh luận rất lâu về cơ chế hành động và thủ tục mà các quốc gia trong khu vực có thể thông qua để ngăn chặn nguy cơ tính toán sai lầm và xoa dịu căng thẳng trong trường hợp các tàu thuyền và máy bay chiến đấu của các nước bất ngờ chạm trán nhau.
Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) mà ASEAN và Trung Quốc đang hợp tác để hoàn thành cũng được đề cập đến tại IMSC năm nay (cả ASEAN và Trung Quốc đều đã nhất trí một văn bảy duy nhất để đàm phán COC).
Những tiến triển nhận được nhiều sự hoan nghênh nhất từ những người đứng đầu các lực lượng hải quân là những hình thức hợp tác đa phương được thể chế hóa. Trong số đó bao gồm Trung tâm hợp nhất thông tin và Thỏa thuận hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang nhằm vào các tàu thuyền ở châu Á.
Những thể chế này rất có giá trị vì giúp tạo ra các cơ hội để các lực lượng hải quân khu vực châu Á-Thái Bình Dương hợp tác nhằm đối phó với những thách thức chung của khu vực. Những thách thức này bao gồm nạn cướp biển, khủng bố hàng hải, buôn lậu, đánh bắt cá trái phép và vượt biên.
Thứ ba, các đại biểu tham dự IMSC 2019 thừa nhận nhu cầu cần đối thoại cởi mở và có tính bao hàm ở cấp độ chiến lược. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày nay có rất nhiều các diễn đàn đối thoại và tham vấn đa phương.
Vấn đề đặt ra là liệu chúng có thực sự đóng góp vào việc xây dựng niềm tin giữa các quốc gia trong khu vực và mở đường cho hợp tác bền vững hay không.
Các cuộc thảo luận tại IMSC đã cho thấy sự tin tưởng giữa các quốc gia trong khu vực không tự nhiên mà có. Những nhà lãnh đạo hải quân hiểu rằng sự hợp tác trên thực tế, đối thoại và xây dựng niềm tin là những cách tiếp cận bổ sung cho nhau, mà nếu không có chúng sẽ không thể có được những giải pháp hiệu quả cho các thách thức an ninh hàng hải của khu vực.
Cuối cùng, bối cảnh mà trong đó tầm quan trọng của trật tự luật pháp được các đại biểu tham dự nhấn mạnh đậm nét rất đáng được nhắc tới. Sự ủng hộ mạnh mẽ đối với UNCLOS xuất hiện khi một diễn giả tìm cách bác bỏ UNCLOS, cho rằng đây là công cụ giúp phương Tây thống trị.
Theo quan điểm của diễn giả này, UNCLOS đã không đếm xỉa tới các giá trị và quan điểm của châu Á. Những chỉ trích của ông đã vấp phải nhiều sự phản đối mà đa số là các đại biểu đến từ châu Á, tất cả họ đều tìm cách tranh luận với ông và bảo vệ tính toàn cầu của UNCLOS và luật quốc tế.
Điều này đã phản ánh một cam kết chung giữa các nhà lãnh đạo hàng hải của thế giới đối với một trật tự luật pháp. Việc họ sẵn sàng coi trọng những nguyên tắc hòa bình hơn sức mạnh là "liều thuốc giải" hiệu quả nhất đối với vùng biển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương - nơi đang xảy ra ngày càng nhiều sự nghi kỵ và căng thẳng./.