Trao tặng thưởng của Ban Bí thư cho tác phẩm lý luận, phê bình văn học

Hội đồng đã chọn ra được 17 tác phẩm có chất lượng, đáp ứng được các tiêu chí xét tặng, từ đó chọn ra được một tác phẩm đạt mức A, 6 tác phẩm đạt mức B và 10 tác phẩm đạt mức C.
Giám đốc Học viện Chính trị Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Nguyễn Xuân Thắng và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và trao Chứng nhận mức A cho tác giả Hữu Thỉnh với tác phẩm sách ''Bến văn và những dòng sông''. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Tối 22/11, tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức Lễ trao tặng thưởng của Ban Bí thư đối với các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật (xuất bản năm 2020).

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dự và trao các tặng thưởng cho các tác giả.

Phát biểu tại lễ trao tặng, ông Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao buổi lễ được tổ chức vào thời điểm hết sức có ý nghĩa. Các cơ quan hữu quan đang khẩn trương chuẩn bị cho Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng. Đây là hội nghị rất quan trọng nhằm phát huy nền tảng tinh thần của xã hội, khơi dậy khát vọng và sức mạnh của toàn dân tộc, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc.

Nhấn mạnh văn học nghệ thuật là một bộ phận, thành tố đặc biệt của văn hóa, có vai trò rất quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững đất nước, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, lý luận phê bình văn học vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật, là quá trình nhận thức tự thân của văn học nghệ thuật.

“Những nhà lý luận phê bình văn nghệ là người bạn đồng hành với văn nghệ sỹ để chia sẻ, bình giá, phản biện, dự báo, góp phần điều chỉnh và định hướng cho sáng tác, thúc đẩy quá trình phát triển văn học nghệ thuật," ông Nguyễn Xuân Thắng phát biểu.

Quán triệt sâu sắc quan điểm "văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận; anh chị em là chiến sỹ trên mặt trận ấy", đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên từ rất sớm và trong quá trình lãnh đạo cách mạng, ông Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng công tác văn hóa, văn nghệ; kịp thời đề ra đường lối, chủ trương, chính sách linh hoạt, đúng đắn để phát triển văn hóa nghệ thuật nước nhà.

Trên hành trình qua 35 năm đổi mới, cùng với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước, lĩnh vực văn học nghệ thuật của nước ta đã có bước phát triển quan trọng, sáng tạo được nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân, góp phần làm cho văn hóa trở thành nguồn lực, nguồn lực nội sinh để phát triển đất nước.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Bên cạnh những thành tựu, ông Nguyễn Xuân Thắng cũng lưu ý trong thời gian qua, đời sống văn hóa, văn nghệ cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần phải được nghiên cứu, nhận diện đầy đủ, chính xác để từ đó đề ra giải pháp, chính sách phù hợp, kịp thời khắc phục, điều chỉnh và phát triển. Đây cũng là yêu cầu, nhiệm vụ được Đảng ta định ra trong các văn kiện Đại hội Đảng; nhấn mạnh trong các Nghị quyết của Đảng chuyên đề về văn học, văn hóa, nghệ thuật, như Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Ông Nguyễn Xuân Thắng hoan nghênh Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã khắc phục vượt qua mọi khó khăn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn diễn biến rất phức tạp, để hoàn thành các nhiệm vụ chính trị mà Ban Bí thư và lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương giao trong năm 2020, trong đó có việc kiến nghị và được lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng đồng ý điều chỉnh, bổ sung Quy chế và tổ chức xét tặng thưởng năm 2020 theo Quy chế mới, bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình xét được tổ chức triển khai chặt chẽ, khoa học và bài bản hơn.

Qua theo dõi công tác xét thưởng, ông Nguyễn Xuân Thắng bày tỏ vui mừng trước số lượng tác phẩm tham dự giải thưởng nhiều hơn, đa dạng, phong phú và chất lượng hơn các năm trước. Điều đó càng khẳng định việc trao tặng thưởng của Ban Bí thư Trung ương Đảng dành cho các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật đạt chất lượng cao hằng năm đã ngày càng khích lệ, thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của các nhà lý luận, phê bình và đội ngũ văn nghệ sỹ cả nước.

Để phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục khẳng định và nâng cao hơn nữa uy tín và sức lan tỏa của tăng thưởng trong đời sống văn học, nghệ thuật và đời sống xã hội trong thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tiếp tục kế thừa các kết quả đạt được qua các năm; tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm để nâng cao hơn nữa chất lượng tặng thưởng của Ban Bí thư.

Cùng với đó, Hội đồng cần phối hợp chặt chẽ với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các hội chuyên ngành Trung ương và địa phương, các cơ quan báo chí, xuất bản để đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá sâu rộng, nhằm thu hút được nhiều tác phẩm dự xét tặng hơn nữa, bảo đảm có được những tác phẩm tốt nhất trong năm sẽ được vinh danh trong lễ trao tặng thưởng thường niên vào năm 2022.

[Gắn sáng tác với thực tiễn đổi mới sáng tạo của đất nước]

Nhân dịp này, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cũng đề nghị các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sỹ nước nhà tiếp tục khắc phục khó khăn, kiên trì đổi mới sáng tạo để có thêm nhiều tác phẩm đạt chất lượng cao. Bám sát chủ trương, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học nghệ thuật, và đội ngũ văn nghệ sỹ cần hướng đến xây dựng một hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam tiên tiến dân tộc, khoa học và nhân văn. Trước mắt, cần sớm hoàn thành việc xây dựng hệ giá trị văn học nghệ thuật vừa mang tính phổ biến nhân loại và thời đại, vừa mang tính đặc thù, phù hợp với bản sắc Việt Nam.

Trên cơ sở đó, phê bình văn học, nghệ thuật phải phát huy được vai trò là thước đo giá trị đồng hành cùng sáng tạo và tiếp nhận văn hóa, văn nghệ, có những đánh giá, phản biện khách quan, đúng mức, vừa khẳng định những giá trị nhân văn tiến bộ, cổ vũ những nỗ lực tìm tòi sáng tạo nghiêm túc, vừa kiên quyết, nghiêm khắc phê phán những biểu hiện thương mại hóa, những thị hiếu tầm thường, dung tục. Đặc biệt cần tập trung đẩy mạnh đấu tranh phản bác thật sắc bén, có hiệu quả với quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, các phần tử, cơ hội chính trị trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Từ năm 2015 đến nay, qua 5 lần trao tặng thưởng, sức ảnh hưởng và tác động tích cực của tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật thường niên ngày càng được nâng lên, thu hút sự quan tâm lớn; được giới lý luận, phê bình và những người hoạt động văn học, nghệ thuật trong cả nước ghi nhận và đánh giá cao.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn và Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ trao Chứng nhận cho các tác giả đạt mức B. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, song số lượng tác phẩm tham gia bình xét có sự tăng nhẹ so với năm 2019, với 95 tác phẩm tham dự, so với 93 tác phẩm của năm 2019. Trong đó, có 46 cuốn sách, 32 bài viết và 17 chương trình phát thanh được các cơ quan, đơn vị gửi về, đề nghị Hội đồng xét tặng thưởng.

Một trong những điểm mới của của đợt xét tặng thưởng năm 2020 là có thêm mức tặng thưởng Xuất sắc, cùng với giá trị các mức thưởng cũng được tăng lên. Tuy nhiên, qua xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng với 4 vòng xét tặng nghiêm cẩn, Hội đồng đã chọn ra được 17 tác phẩm có chất lượng, đáp ứng được các tiêu chí xét tặng, từ đó chọn ra được một tác phẩm đạt mức A với tác phẩm ''Biến văn và những vòng sóng'' của tác giả Hữu Thỉnh; 6 tác phẩm đạt mức B và 10 tác phẩm đạt mức C.

Ngoài ra, Hội đồng quyết định tặng thưởng cho 13 đơn vị có thành tích nổi bật trong công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá hoạt động lý luận, phê bình văn học nghệ thuật năm 2020.

Trong danh sách các tác giả được tặng thưởng, bên cạnh những bậc cao niên thành danh đã xuất hiện một số tác giả trẻ đầy triển vọng. Đi cùng những công trình chuyên sâu về đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, về văn nghệ cách mạng, còn có những công trình tiếp thu, vận dụng các lý thuyết nước ngoài để nghiên cứu, phê bình các hiện tượng văn học nghệ thuật đương đại... Qua đó, phản ánh bức tranh đời sống lý luận phê bình văn học nghệ thuật hiện nay đa dạng, phong phú và sinh động, đem đến những tín hiệu tích cực trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục