"Trao quyền" cho địa phương giúp nối dài "cánh tay" giám sát của Trung ương

Trước những "nút thắt" cơ chế chính sách hỗ trợ kinh tế, cơ chế đặc thù cho các địa phương, đại biểu quốc hội cho rằng nên trao cho các địa phương quyền vận dụng chính sách một cách sáng tạo.

Ngày 21/5, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 74/NQ-CP về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Ngày 21/5, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 74/NQ-CP về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, nhiều đại biểu cho rằng mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng thực tế thủ tục còn rườm rà, chồng chéo; đặc biệt thu ngân sách còn chậm và cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương chưa đạt hiệu quả.

Vậy làm thế nào để hạn chế những tồn tại này, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Việt Nam đã chia sẻ quan điểm của ông bên hành lang nghị trường.

Cần cơ chế riêng giúp các cơ quan thực thi công vụ dám nghĩ, dám làm

- Thưa đại biểu, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ kinh tế xã hội trong năm 2023-2024, nhưng thực tế về thủ tục còn rườm rà, chồng chéo. Vậy theo ông, giải pháp nào giúp giải quyết tình trạng này?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Theo tôi, bên cạnh các chính sách về hỗ trợ tài chính, những thủ tục hành chính cần phải được tiếp tục cải tiến. Đặc biệt, chúng ta đang trong giai đoạn cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cắt giảm các khâu trung gian, cắt giảm các chi phí không chính thức của doanh nghiệp.

Thực tế khó khăn hiện nay mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt lại không phải tác động trực tiếp từ phía những nhà quản lý doanh nghiệp mà từ khâu quản lý công. Nhiều cơ quan thực thi công vụ đang rất e ngại những sai phạm và không dám mạnh dạn thực thi giải quyết những yêu cầu phát sinh của doanh nghiệp. Chính điều đó cũng là một trong những rào cản khiến các doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu kịp thời.

vnp_hoang van cuong.1.jpg
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Việt Nam. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Tôi cho rằng bên cạnh hỗ trợ trực tiếp về mặt tài chính thì những cải cách về mặt thể chế, hành chính, và đặc biệt là cần giải quyết những “nút thắt” để các cơ quan thực thi công vụ dám nghĩ, dám làm, năng động, không sợ sai thông qua cơ chế có đặc thù riêng, giúp cán bộ có thể vận dụng một cách năng động, sáng tạo các quy định pháp luật vào việc giải quyết nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

- Về vấn đề thu ngân sách, từ đầu năm tới nay nguồn thu này có dấu hiệu sụt giảm. Ngày hôm qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý thuế, trong đó có tăng nợ đọng thuế. Theo đại biểu, liệu đây có phải là giải pháp hiệu quả giúp tăng thu ngân sách trong thời gian tới không và đại biểu có đề xuất gì?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Bối cảnh hiện nay là các doanh nghiệp khó khăn và phải rút khỏi thị trường khiến việc thu ngân sách thông qua các khoản đóng góp từ các khu vực nội địa đang gặp khó khăn.

Hơn nữa, nền kinh tế của chúng ta đang trong chu kỳ tài khóa ngược, với dư địa của ngân sách hiện nay có thể phải tiếp tục mở rộng những khoản ngân sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. Như vậy, về mặt mục tiêu chúng ta cũng không nên quá coi trọng phải tăng thu hay tận thu giai đoạn này.

Tất nhiên, cần đảm bảo tính công bằng cho các doanh nghiệp, là khi được giãn-hoãn-miễn thuế thì tất cả đều được hưởng như nhau, còn lại những phần nghĩa vụ phải đóng góp tất cả các doanh nghiệp phải thực hiện để Chính phủ có nguồn ngân sách bù đắp cho những phần đã nới lỏng.

Vì vậy, tôi cho rằng với những nghĩa vụ về chấp hành thuế các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm, tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng chính sách nới lỏng để chậm thuế, thậm chí trốn thuế, gây mất công bằng trong cạnh tranh doanh nghiệp.

vnp_no dong thue.jpg
Bộ Tài chính đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan tăng cường quản lý để chống nợ đọng thuế. (Ảnh minh họa: Vietnam+)

Bên cạnh đó, theo tôi cũng cần phải có một loạt chính sách khác, biện pháp khác nhằm tăng các nguồn thu chứ không chỉ trông chờ vào phần của các doanh nghiệp.

Trao quyền nhiều hơn để cơ chế, chính sách đặc thù phát huy hiệu quả

- Liên quan tới vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, nhiều đại biểu đánh giá còn chậm và có đề xuất cần phải tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương chủ động giải ngân nguồn vốn này. Đại biểu có ý kiến ra sao về vấn đề này, đặc biệt đối với những địa phương có chính sách đặc thù?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Thời gian vừa qua đã có một số dự án đầu tư công thuộc dự án quy hoạch quốc gia đã phân cấp phân quyền, trao cho các địa phương thực hiện. Kết quả là các dự án này triển khai rất hiệu quả, bởi đã gắn được trách nhiệm của địa phương với công tác chuẩn bị mặt bằng, khai thác mỏ vật liệu…

Tôi cho rằng những bài học đó cần phải tiếp tục phát huy, cần trao quyền nhiều hơn, phân cấp nhiều hơn cho các địa phương. Khi đó chúng ta vừa phát huy được vai trò của các địa phương trong việc triển khai, thực hiện các dự án, đồng thời kết nối được các cơ quan thực hiện dự án ở địa phương với cơ quan kiểm tra, giám sát từ Trung ương, các bộ, ngành. Như vậy, không chỉ dự án “chạy” nhanh hơn mà còn giúp dự án được kiểm tra, đánh giá, giám sát, đảm bảo chất lượng hơn.

- Vâng thưa đại biểu, thực tế vẫn có những cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương, và tại kỳ họp này cũng thảo luận về nội dung đó. Tuy nhiên, sau khi Quốc hội đã thông qua các chính sách đặc thù thì có nhiều trường hợp các cơ quan bộ, ngành lại chậm ban hành các nghị định hướng dẫn, dẫn đến làm giảm tính hiệu quả của chính sách đặc thù. Vậy theo đại biểu cần giải quyết tồn tại này thế nào?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Chúng ta ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho địa phương, thậm chí ban hành chính sách đặc thù cho từng chương trình, dự án để nhằm áp dụng cơ chế khác biệt so với các quy định hiện hành của pháp luật.

Gắn liền với cơ chế đặc thù, theo tôi nên trao cho các địa phương được quyền vận dụng các chính sách hiện hành và vận dụng một cách sáng tạo, chứ không phải có cơ chế đặc thù rồi lại phải xin ý kiến của các bộ, ngành thực hiện. Khi đó sẽ không phát huy được vai trò thực sự của các cơ chế, chính sách đặc thù.

Tôi cho rằng chúng ta cũng cần phải tiến đến tổng kết, đánh giá những cơ chế, chính sách đặc thù đã ban hành để tương lai sẽ thay đổi phương thức thực thi và vận dụng pháp luật, giúp các địa phương khó khăn được tự quyết định cách thức xử lý, cách thức giải quyết hiệu quả nhất, phù hợp nhất.

- Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của đại biểu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục