Trong những năm gần đây, trào lưu nuôi thú cưng, thú cảnh từ động vật hoang dã tại Việt Nam đang trở nên phổ biến, đặc biệt là trong giới trẻ. Tuy nhiên, với thực tế hơn 70% bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật hoang dã xảy ra trong thời gian gần đây, giới chuyên gia bảo tồn cảnh báo việc tiếp xúc gần với các loài thú cưng luôn tiềm ẩn những rủi ro đối với sức khỏe con người.
Nhức nhối trào lưu nuôi thú cảnh
Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), mua, bán thú nuôi hoang dã đang là một trong những lý do khiến hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp đã trở thành mối đe dọa lớn đối với đa dạng sinh học cũng như sự sinh tồn của các loài động vật hoang dã hiện nay.
Đặc biệt, việc nuôi động vật hoang dã thúc đẩy nhu cầu săn bắt và buôn bán các loài hoang dã, đẩy các loài tới sự suy giảm số lượng và có nguy cơ tuyệt chủng.
Dẫn ví dụ từ loài rùa, bà Nguyễn Thu Thủy, đại diện Chương trình cứu hộ và đào tạo thả một cá thể rùa về tự nhiên (ATP) tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, cho biết Việt Nam được đánh giá cao về đa dạng sinh học rùa cạn và rùa biển. Tuy nhiên, nạn buôn bán, nuôi rùa làm thú cưng đã và đang diễn ra nhức nhối từ nhiều năm nay.
Khảo sát của ATP cho thấy thị trường thú cảnh từ tháng 9/2020 đến tháng 9/2021 có 1.912 cá thể bị rao bán online, thông qua các mạng xã hội như zalo, facebook và tập trung vào các loài ở miền Nam như rùa ba gờ, rùa núi vàng, rùa hộp lưng đen...
Giống như rùa, nhiều động vật hoang dã khác cũng đã và đang trở thành thú cưng, thú cảnh của giới trẻ. Ông Nguyễn Tam Thanh, Tổ chức Động vật châu Á cho biết thời gian qua nhiều nền tảng online “ra đời,” hình thành các hội nhóm hoạt động kín, sử dụng thuật ngữ để tránh bị phát hiện. Tuy nhiên, khi muốn tìm hiểu thông tin quảng cáo, buôn bán trái phép cũng không quá khó khăn.
[8 năm thực hiện Chiến lược 2020: Đa dạng sinh học vẫn giảm ở 3 cấp độ]
Đáng chú ý là hầu hết động vật hoang dã bị bắt từ tự nhiên. Ví dụ như khỉ, để bắt khỉ con, người đi săn có thể phải săn/giết cả gia đình khỉ. Thống kê của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cũng cho thấy từ năm 2015 đến năm 2019, có ít nhất 1.254 vụ nuôi nhốt khỉ, lực lượng chức năng đã tịch thu 423 cá thể khỉ nhưng đây chỉ là một loài và không phải là loài được nuôi/bị tịch thu nhiều nhất như chim, rùa.
Có chung nhận định, bà Bùi Thúy Nga, đại diện Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam, cũng khẳng định vấn nạn mua bán động vật hoang dã làm cảnh trở thành trào lưu, thậm chí nhiều người nuôi cho rằng việc nuôi thú cưng là thú chơi riêng.
Bà Nga cho biết năm 2018, TRAFFIC khảo sát tại Hà Nội và Hồ Chí Minh cho thấy người nuôi chim hót thiên về nam giới - đó là những người làm công việc tự do hoặc kinh doanh, không hẳn thuộc giới thượng lưu. 70% số người nuôi chim hót để thư giãn, 30% nuôi để thi đấu; độ tuổi sở hữu chim khá trẻ (27 tuổi).
“Hầu hết các loài không được bảo vệ nên khó cho cơ quan chức năng xử phạt. Khó khăn là chim hót chưa thuộc danh mục được bảo vệ, có nhiều hội nhóm trao đổi, thi đấu; 65% đối tượng khảo sát cho biết sẽ vẫn tiếp tục nuôi,” bà Nga trăn trở.
Tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh
Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Tam Thanh, đại diện Tổ chức Động vật châu Á, con người đang “hấp thụ” toàn bộ thiên nhiên và quá tham lam trước các nhu cầu vô độ đối với động vật hoang dã, khiến các bệnh truyền nhiễm dễ phát sinh.
“Ví dụ virus Hepatitis B ở khỉ có thể truyền sang người và gây tỷ lệ tử vong gần như 100%. Tháng 5/2021, tại Trung Quốc, có ca tử vong liên quan đến virus B và đây là virus có nguy cơ lớn, chưa có phương pháp phòng ngừa,” ông Thanh nói.
Có chung quan điểm, bà Nguyễn Thu Thủy, đại diện ATP cho biết việc nuôi động vật hoang dã, điển hình như rùa làm thú cảnh sẽ tiềm ẩn rủi ro về sức khỏe, bệnh tật với người nuôi, nhất là trẻ em do có thể tiếp xúc với mầm bệnh trên cơ thể rùa qua cầm nắm, thậm chí ôm ấp, bỏ vào miệng. Ngoài ra, mầm bệnh truyền nhiễm do nhóm vi khuẩn Salmonella spp trên mai và da rùa có thể gây thương hàn, tiêu chảy, sốt, thậm chí tử vong.
"Trên thế giới đã có trẻ tử vong vì nhiễm Salmonella," bà Thủy nhấn mạnh.
Tiến sĩ Phạm Đức Phúc, Đại học Y tế công cộng cũng khẳng định tất cả động vật hoang dã đều có tác nhân gây bệnh. Trong số đó, có khoảng 60% bệnh truyền nhiễm trên người hiện nay có nguồn gốc từ động vật; 70% bệnh truyền nhiễm mới nổi cũng có nguồn gốc từ động vật hoang dã.
Theo ông Phúc, hiện có hơn 219 chủng virus gây bệnh đã biết, trong đó virus đầu tiên là bệnh sốt vàng (châu Phi) từ 1901, hàng năm xuất hiện từ 3-5 chủng virus, đặc biệt là động vật máu nóng. Đại dịch H5N1 có nguồn gốc từ chim hoang dã di cư, HIV từ khỉ châu Phi 1980, Sars 2002 từ cầy hương ở Trung Quốc…
Trước thực trạng nêu trên, ông Phúc khuyến nghị các nhà chính sách cần có hướng dẫn chi tiết hơn về luật dựa trên bằng chứng khoa học, dịch bệnh, phúc lợi động vật; khắc phục “lỗ hổng” thiếu sự hợp tác giữa các bên và thúc đẩy chia sẻ thông tin, thúc đẩy truyền thông nâng cao nhận thức về bảo tồn động vật hoang dã.
Bà Bùi Thúy Nga, đại diện Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam cũng kiến nghị các cơ quan chức năng liên quan cần rà soát các loài hoang dã chưa được bảo vệ, nghiên cứu thực trạng để đưa vào các phụ lục cần ưu tiên, bảo vệ; rà soát cơ sở gây nuôi; phối hợp nâng cao năng lực thực thi cho các cơ quan bảo tồn loài; giám sát các khu vực nhạy cảm (sân bay, bến xe, nhà hàng…) và hợp tác quốc tế, truyền thông thay đổi hành vi./.