Trao Huân chương Cành cọ Hàn lâm cho Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội

Đây là một trong những phần thưởng cao quý của Chính phủ Pháp ra đời đầu thế kỷ 19, dưới thời Napoleon I, nhằm vinh danh các cá nhân có những đóng góp lớn trong lĩnh vực giáo dục, khoa học...

Ngài Olivier Brochet - Đại sứ Cộng hòa Pháp thay mặt Chính phủ Pháp trao tặng cho Giáo sư Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội “Huân chương Cành cọ Hàn lâm.” (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ngài Olivier Brochet - Đại sứ Cộng hòa Pháp thay mặt Chính phủ Pháp trao tặng cho Giáo sư Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội “Huân chương Cành cọ Hàn lâm.” (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tối 14/10, tại Hà Nội, ngài Olivier Brochet - Đại sứ Cộng hòa Pháp thay mặt Chính phủ Pháp trao tặng “Huân chương Cành cọ Hàn lâm” cho Giáo sư Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội.

Đây là một trong những phần thưởng cao quý của Chính phủ Pháp ra đời đầu thế kỷ 19, dưới thời Napoleon I, nhằm vinh danh các cá nhân có những đóng góp lớn trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hóa nghệ thuật Pháp…

Huân chương là sự ghi nhận những cống hiến của Giáo sư Nguyễn Hữu Tú đối với sự phát triển hợp tác Pháp ngữ tại Việt Nam và đặc biệt là hợp tác đào tạo y khoa Pháp-Việt.

Những năm qua, với cương vị Phó Hiệu trưởng phụ trách Đào tạo Đại học, Phụ trách chương trình Pháp ngữ Trường Đại học Y hà Nội và sau đó là Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Hữu Tú đã có nhiều đóng góp trong việc kết nối, xây dựng các chương trình trao đổi hợp tác liên kết đào tạo, trao đổi sinh viên, giảng viên với các trường đại học, viện trường uy tín, lâu đời tại Pháp như Đại học Sorbonne, Đại học Y Montpellier, Đại học Y Aix Marseille…

Screen Shot 2024-10-14 at 21.36.27.png
Ngài Olivier Brochet - Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phát biểu tại buổi lễ, ngài Olivier Brochet - Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam nhấn mạnh cộng đồng Pháp ngữ là động lực thiết yếu để giải quyết những thách thức về sức khoẻ. Việt Nam trong bối cảnh có những biến động lớn về nhân khẩu học và công nghệ cần tiếp tục đổi mới trong cách tiếp cận chăm sóc sức khoẻ, thông qua đào tạo y tế hay nghiên cứu khoa học.

Các thế hệ bác sỹ ở Việt Nam nói tiếng Pháp đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi này. Họ nhờ có được kinh nghiệm ở Pháp góp phần hiện đại hoá hoạt động thực hành y tế ở Việt Nam đồng thời mang tới khía cạnh Pháp ngữ vào hoạt động khám chữa bệnh, giúp nâng cao tầm nhìn chuyên môn của đội ngũ y bác sỹ.

“Các cuộc khủng hoảng y tế gần đây, chẳng hạn như đại dịch COVID-19 đã nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc hợp tác cùng nhau làm việc để đối mặt với những mối đe dọa không biên giới. Chính trong bối cảnh đó, sự hợp tác Pháp-Việt phát huy đầy đủ ý nghĩa của sự hợp tác này. Khối Pháp ngữ như một cơ chế thúc đẩy đối thoại và chia sẻ, cho phép chúng ta cùng nhau xây dựng các giải pháp chung và đổi mới,” Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam cho hay.

Screen Shot 2024-10-14 at 21.40.44.png
Các đại biểu tham dự tại buổi lễ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nghiên cứu khoa học Pháp-Việt cũng phải được tăng cường để đón đầu những thách thức trong tương lai. Hợp tác trong các lĩnh vực y tế công cộng, phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm và biến đổi khí hậu là trọng tâm trong các ưu tiên của Pháp được thể hiện xung quanh cách tiếp cận “Một sức khỏe.” Đại sứ quán Pháp cam kết sát cánh cùng Việt Nam để hỗ trợ sự năng động này bằng cách tăng cường trao đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án hợp tác và đồng hành trong các hoạt động sắp tới.

Giáo sư Nguyễn Hữu Tú nhấn mạnh, trong 122 năm qua, Trường Đại học Y Hà Nội, với thầy Hiệu trưởng đầu tiên bác sỹ Alexandre Yersin, nhà bác học lỗi lạc người Pháp, công dân danh dự Việt Nam luôn là biểu tượng lịch sử, sống động và hiệu quả về mối quan hệ và hợp tác y khoa Pháp-Việt. Nhận thức về tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác Pháp Việt trong y học, trách nhiệm với các thế hệ sau cũng như lòng biết ơn với những gì đã nhận được từ những người thầy và đồng nghiệp Pháp, 15 năm qua, ông đã cùng lãnh đạo nhà trường, các thầy cô giáo, các thế hệ sinh viên không ngừng cố gắng, vượt qua mọi khó khăn và thách thức xây dựng và phát triển nhiều hoạt động đào tạo và hợp tác nhằm tạo nên một cơ sở vững chắc cho sự hợp tác và phát triển toàn diện về y học giữa Việt Nam và Pháp.

Screen Shot 2024-10-14 at 21.39.27.png
Giáo sư Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đến nay, Trường Đại học Y Hà Nội đã phong tặng chức danh giáo sư danh dự cho hơn 30 giáo sư người Pháp; tổ chức các lớp bác sỹ chuyên khoa pháp ngữ liên trường, các lớp đào tạo liên tục, tổ chức trao đổi giảng viên; tổ chức Diễn đàn Y khoa Pháp Việt… Trường Đại học Y Hà Nội cũng là thành viên tích cực của nhiều mạng lưới các trường đại học Pháp ngữ trên thế giới như CIDMEF, AUFEMO, AUF...

Cũng tại buổi lễ, Câu lạc bộ cựu bác sỹ, dược sỹ học tập tại Cộng hòa Pháp” được thành lập, đây là nơi chia sẻ và cập nhật các thông tin hợp tác y tế Việt-Pháp, là nền tảng thúc đẩy thế hệ trẻ tiếp tục phát triển và kế thừa truyền thống tốt đẹp trong đào tạo y dược khoa giữa Việt nam và Pháp.

Câu lạc bộ ra mắt tại Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Hà Nội đánh dấu sự thành công của chương trình hợp tác đào tạo y tế của Pháp và Việt Nam./.

Từ năm 1993, với sự hỗ trợ của Chính phủ Pháp nhiều dự án đào tạo y khoa, trao đổi chuyên gia, cung cấp trang thiết bị y tế và thuốc đã được thực hiện.

Các chương trình đào tạo bác sỹ, dược sỹ nội trú tại Pháp, đào tạo liên đại học tại Việt Nam, hỗ trợ phát triển các trung tâm bệnh viện đại học (CHU) tại Hà Nội… không chỉ góp phần hiện đại hóa hệ thống y tế Việt Nam mà đã đào tạo được hàng nghìn bác sỹ chuyên khoa giỏi cho đất nước. Nhiều người trong số họ đã trở thành những chuyên gia xuất sắc hàng đầu trong lĩnh vực của mình, đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong ngành y tế.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục