Trao gửi niềm tin và ước vọng: Hiện thực hóa khát vọng Việt Nam

Quốc hội và Hội đồng nhân dân là cơ quan có vai trò đặc biệt quan trọng triển khai nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, hiện thực hóa khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Cụm pano 3 mặt tuyên truyền, cổ động bầu cử tại ngã 4 ô Đông Mác. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Những ngày tháng 5 lịch sử, đất nước thêm một sự kiện quan trọng, ngày 23/5/2021, cử tri cả nước hân hoan đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Diễn ra sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là cuộc vận động chính trị quan trọng và là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân.

Nhân sự kiện đặc biệt quan trọng này, phóng viên TTXVN thực hiện chùm bài “Trao gửi niềm tin và ước vọng” gồm 5 bài viết. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Bài 1: Hiện thực hóa khát vọng Việt Nam

Ngày 23/5/2021 tới, cử tri cả nước sẽ thực hiện quyền và nghĩa vụ thiêng liêng, bầu ra những người đại diện cho mình trong cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước và địa phương. Diễn ra 5 năm một lần, cuộc bầu cử đã được các cơ quan tổ chức bầu cử, cả hệ thống chính trị và toàn dân chủ động, tích cực chuẩn bị mọi mặt.

Tận dụng thời cơ để phát triển nhanh, bền vững

Cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 là sự kiện lịch sử trọng đại, mở đầu cho quá trình xây dựng chế độ dân chủ mới ở nước ta. Đây cũng chính là sự khởi đầu và phát triển của Quốc hội, một thiết chế dân chủ, thiết chế trụ cột trong Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Trong suốt 14 nhiệm kỳ qua, hoạt động của Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra trong bối cảnh công cuộc đổi mới ở nước ta sau hơn 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.

Nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt quan trọng của cuộc bầu cử lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, cuộc bầu cử diễn ra vào thời điểm cả nước ta ra sức thi đua lập thành tích chào mừng thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng - một sự kiện chính trị trọng đại của Đảng ta, đất nước ta và dân tộc ta, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ, phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn trong thời kỳ mới.

[Bảo đảm để Ngày hội toàn dân thực sự vui, dân chủ, đúng luật, an toàn]

Bầu cử là cơ hội để nhân dân ta thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, thật sự có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Đây cũng là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc triển khai các nội dung đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hiện thực hóa khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, văn minh, có vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế.

Dốc sức chuẩn bị

Quyền bầu cử là quyền chính trị cơ bản của công dân được hiến định nhằm bảo đảm cho mọi công dân có đủ điều kiện thực hiện việc lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Chỉ thông qua bầu cử, công dân mới thực hiện quyền của mình để bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước, góp phần thiết lập bộ máy nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội. Đây không chỉ là quyền thiêng liêng của mỗi cử tri, mà còn là trách nhiệm của công dân đối với đất nước.

Chủ động chuẩn bị mọi mặt cho cuộc bầu cử, ngay từ rất sớm, ngày 20/6/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Xác định 9 nhiệm vụ quan trọng mà các cấp ủy, tổ chức đảng phải lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, Bộ Chính trị yêu cầu cả hệ thống chính trị tập trung dốc sức chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử, bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành một cách thật sự dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm.

Để chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thành công cuộc bầu cử, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Hội đồng Bầu cử Quốc gia được thành lập theo Nghị quyết số 118/2020/QH14 (ngày 19/6/2020).

So với nhiệm kỳ trước, việc thành lập Hội đồng Bầu cử Quốc gia sớm hơn một kỳ họp, qua đó có thêm quỹ thời gian để hướng dẫn các quy định mới trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương vừa được Quốc hội khóa XIV sửa đổi. Đến nay, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã có 5 phiên họp toàn thể để xem xét, thảo luận, quyết định các nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị bầu cử.

Ngay trước thềm Đại hội XIII của Đảng, mặc dù bộn bề công việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Nguồn: TTXVN)

Nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc bầu cử lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong năm 2021.

Thực hiện Chỉ thị số 45 của Bộ Chính trị, cả hệ thống chính trị đã khẩn trương bắt tay ngay vào việc chuẩn bị mọi mặt cho cuộc bầu cử. Đến ngày 14/1/2021, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính đã hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn liên quan đến cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Các ngành, các cấp và các địa phương khẩn trương ban hành các văn bản, kế hoạch, hướng dẫn, tổ chức triển khai công tác bầu cử theo đúng yêu cầu quy định và tiến độ đề ra. Các lớp tập huấn triển khai công tác bầu cử cũng như kỹ năng, nghiệp vụ công tác bầu cử được tổ chức tại Trung ương và tất cả các địa phương giúp trang bị các kiến thức để đảm bảo công tác tổ chức bầu cử được triển khai đúng quy định pháp luật.

Để giám sát việc chuẩn bị công tác bầu cử tại các địa phương đảm bảo đúng luật định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Các đợt kiểm tra, giám sát từ tháng 3 đến trước ngày diễn ra bầu cử (23/5/2021), tập trung vào nội dung tiến trình bầu cử để cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã tổ chức 14 đoàn giám sát tại 40 địa phương. Riêng trong đầu tháng 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Bầu cử Quốc gia tiến hành đợt ba với mục tiêu giám sát đủ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và hoàn thành trước ngày 20/5.

Cùng với đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Bầu cử các tỉnh, thành phố cũng triển khai các đoàn kiểm tra, giám sát bầu cử. Những vấn đề mới, phát sinh từ thực tế qua các cuộc kiểm tra, giám sát đã được kịp thời phản ánh để Hội đồng Bầu cử Quốc gia có những chỉ đạo kịp thời, giúp Ủy ban Bầu cử các tỉnh, thành phố triển khai công tác chuẩn bị bầu cử hiệu quả, đúng quy định.

Ứng phó mau lẹ

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 mang một dấu ấn khác biệt so với các cuộc bầu cử trước đây. Đại dịch COVID-19 với những diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng không nhỏ tới công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử. Vượt khó, khắc phục trở ngại, cả hệ thống chính trị đã khẩn trương triển khai hàng loạt các biện pháp cấp bách để “Ngày hội của toàn dân” diễn ra theo đúng kế hoạch, đảm bảo tuyệt đối an toàn, phòng, chống dịch bệnh.

Phản ứng nhanh nhạy trước sự trở lại phức tạp của dịch COVID-19 trong bối cảnh cuộc bầu cử đang đến gần, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã liên tục có các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo để đảm bảo việc triển khai các bước trong công tác chuẩn bị bầu cử không bị gián đoạn.

Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội diễn tập các phương án để công tác bầu cử ngày 23/5 thành công và đúng quy định của pháp luật. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Đó là Văn bản số 660/HĐBCQG-VP về việc tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo công tác bầu cử; Văn bản số 234/HĐBCQG -TBVBPLTTTT hướng dẫn việc lập danh sách cử tri và phương án thực hiện bỏ phiếu đối với các trường hợp đang cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa phương có dịch bệnh phát sinh; Văn bản số 214/VPHĐBCQG-TT về việc rà soát, cập nhật danh sách cử tri, phát thẻ cử tri trong điều kiện phòng, chống dịch COVID- 19...

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã ban hành Văn bản số 61/HD-MTTW-BTT, hướng dẫn về tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch COVID- 19. Đồng thời, Bộ Nội vụ ban hành Văn bản số 2135/BNV-CQĐP hướng dẫn nghiệp vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Công tác chỉ đạo, tổ chức bầu cử kết hợp phòng, chống dịch COVID-19 được tăng cường, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân từ việc tính toán các phương án tổ chức bầu cử đến tiếp xúc cử tri, hiệp thương và lập danh sách cử tri... Công tác chuẩn bị các điều kiện, cơ sở vật chất và chuẩn bị các phương án bầu cử trong các tình huống khẩn cấp đã được dự lường.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường cho biết Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã yêu cầu các tổ chức phụ trách bầu cử có biện pháp chỉ đạo, theo dõi, kịp thời nắm bắt tình hình biến động của cử tri trong danh sách cử tri trên địa bàn để có phương án chuẩn bị số lượng phù hợp các hòm phiếu phụ, thẻ cử tri, phiếu bầu dự phòng và các điều kiện bảo đảm cần thiết khác cho công tác tổ chức bỏ phiếu trong Ngày Bầu cử; bổ sung các con dấu “Đã bỏ phiếu” kèm theo hòm phiếu phụ, bảo đảm thuận tiện cho công tác bầu cử, sao cho các cử tri không thể đến được phòng bỏ phiếu vẫn thực hiện được quyền bầu cử của mình.

Yêu cầu các tổ chức phụ trách bầu cử phối hợp cùng chính quyền địa phương các cấp có hình thức thông tin, tuyên truyền rộng rãi để cử tri nắm được nội dung hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử Quốc gia; tạo điều kiện thuận lợi nhất và bảo đảm để tất cả cử tri đều có thể thực hiện quyền bầu cử của mình.

Trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử Quốc gia và các cơ quan, địa phương đã vào cuộc rất quyết liệt, khẩn trương tổ chức các cuộc tập huấn công tác phòng, chống dịch COVID-19 phục vụ bầu cử, đề ra hàng loạt giải pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh trong bầu cử, phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng địa phương, đơn vị.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ cho biết, ngoài các yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 đối với khu vực, địa điểm bỏ phiếu bầu cử, Thành phố đã hoàn chỉnh và chuẩn bị 4 phương án để tiến hành bỏ phiếu tùy theo các trường hợp, tình huống và cấp độ của dịch COVID-19 như phương án tổ chức bầu cử tại các khu vực, địa điểm bỏ phiếu; cho cử tri đang cách ly tại nhà; tại khu vực cách ly tập trung và nơi thực hiện cách ly xã hội hoặc phong tỏa; tổ chức bầu cử tại bệnh viện, cơ sở y tế điều trị cho bệnh nhân nghi ngờ hay xác định mắc COVID-19.

Thừa Thiên-Huế cũng là một trong những địa phương hành động mau lẹ trong phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an toàn cho cuộc bầu cử. Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cho biết, Thừa Thiên-Huế đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt như chuyển các hình thức tiếp xúc cử tri từ trực tiếp sang trực tuyến và ở mỗi điểm cầu đều không tập trung quá đông người.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỉnh đã đề xuất các phương án bầu cử phù hợp cho từng khu vực đặc thù và tuân thủ nguyên tắc phòng, chống dịch của Bộ Y tế. Theo đó, đối với khu vực nguy cơ cao, sẽ thực hiện giãn cách ngay tại điểm bầu cử; khu vực đang áp dụng giãn cách xã hội sẽ thực hiện phân luồng, điều chỉnh thời gian cử tri đi bỏ phiếu trong ngày; các khu vực cách ly sẽ tổ chức các thùng phiếu phụ riêng.

Với mục tiêu cao nhất là tránh rủi ro cho các thành viên phụ trách bầu cử, các Tổ Bầu cử, thực hiện thành công ngày bầu cử với tỷ lệ cử tri đi bầu cử cao, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký yêu cầu trước 18 giờ ngày 21/5 phải hoàn thành việc xét nghiệm cho các thành viên tổ chức bầu cử; đồng thời tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ khu vực bỏ phiếu trong ngày 21/5 và duy trì thường xuyên việc sát khuẩn 2 giờ/lần trong ngày 23/5. Các thành viên Tổ Bầu cử tự theo dõi sức khỏe, tuân thủ nghiêm các quy trình phòng dịch, đảm bảo cho hoạt động bầu cử.

Những giải pháp quyết liệt, linh hoạt và kịp thời đã được các địa phương khẩn trương triển khai trước thềm cuộc bầu cử. Tất cả đều chung một mục tiêu đảm bảo an toàn cho Ngày Bầu cử - Ngày hội của toàn dân, để cử tri thực hiện quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của mình, lựa chọn những người đủ đức, đủ tài, đại diện cho nhân dân trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục