Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa trao giải “Vô lăng vàng” lần thứ ba năm 2015 cho 22 tập thể và 49 lái xe của các đơn vị, doanh nghiệp vận tải trên cả nước có thành tích xuất sắc trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông vào tối 26/12.
Sau ba năm tổ chức và phát động, giải thưởng đã thu hút sự quan tâm tham gia của các đơn vị kinh doanh vận tải và đông đảo đội ngũ lái xe trên khắp mọi miền tổ quốc. Điều đó đã được chứng minh qua sự phát triển cả về quy mô và số lượng các đơn vị kinh doanh vận tải, lái xe tham gia giải thưởng.
Cụ thể, năm 2013, năm đầu tiên tổ chức giải thưởng đối tượng tham gia chủ yếu là các doanh nhiệp vận tải khách, với số lượng tham gia còn hạn chế khoảng trên 50 đơn vị và trên 300 lái xe, từ năm 2014 đến nay, đã có thêm các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, với số lượng tăng qua từng năm, năm 2015 có trên 300 đơn vị và trên 5.000 lái xe tham gia.
Qua giải thưởng này, Ban tổ chức kỳ vọng sẽ nâng cao hơn nữa nhận thức, ý thức của toàn dân nói chung và đội ngũ lái xe nói riêng trong việc chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông, phòng tránh tai nạn giao.
Phát biểu tại lễ trao giải, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, tai nạn giao thông đang là vấn nạn lớn của toàn cầu, mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,3 triệu người chết vì tai nạn giao thông.
“Tại Việt Nam, tai nạn giao thông vẫn đang là vấn đề nhức nhối, số vụ, số người chết còn ở mức cao và diễn biến hết sức phức tạp, mỗi ngày có 24 người khi tham gia giao thông không bao giờ trở lại và hậu quả của các vụ tai nạn giao thông là hết sức nặng nề không chỉ cho bản thân và gia đình nạn nhân mà còn ảnh hưởng đến xã hội. Mỗi năm, tai nạn giao thông gây thiệt hại từ 1,5-2,5% GDP, tương đương 60.000-70.000 tỷ đồng,” Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành giao thông cũng đánh giá, trong nhiều năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong 5 năm qua tai nạn giao thông liên tiếp giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, số người chết đã giảm được hơn 12.000 người và giảm rất sâu về số vụ, số người bị thương.
Biểu dương, đánh giá cao sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, các Hợp tác xã, đông đảo đội ngũ lái xe đã tham gia vào giải thưởng “Vô lăng vàng,” Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, việc phát động cuộ thi giải thưởng này là một trong những giải pháp hết sức hữu hiệu bởi Việt Nam có khoảng 360.000 xe kinh doanh vận tải với hơn 400.000 lái xe. Đây là lực lượng rất quan trọng đã đóng góp vào việc giảm thiểu tai nạn giao thông trong thời gian qua.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng hy vọng giải “Vô lăng vàng” tiếp tục nhận được sự hưởng ứng hơn nữa của các doanh nghiệp, Hợp tác xã vận tải và đông đảo lái xe trong toàn quốc để tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí. Các doanh nghiệp, Hợp tác xã, lái xe đạt giải sẽ là các nhân tố tích cực có tác dụng lan tỏa cho các đơn vị vận tải và lái xe khác.
Tại Lễ trao giải thưởng “Vô Lăng Vàng” lần thứ 3, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tiếp tục phát động phong trào thi đua xây dựng “Doanh nghiệp vận tải an toàn” và “Lái xe an toàn” năm 2016 và bình chọn giải thưởng “Vô lăng vàng” lần thứ 4 để thực hiện chủ đề năm an toàn giao thông 2016 “Xây dựng văn hoá giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ” mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”./.
Theo Ban tổ chức, tiêu chí bình xét giải “Vô lăng vàng” dành cho cá nhân các tài xế lái xe là không để xảy ra tai nạn giao thông trong năm 2015; không vi phạm luật giao thông đường bộ; có nghĩa cử và hành động đặc biệt trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông như: tham gia cứu người bị nạn, người bị tai nạn giao thông, giúp đỡ hành khách trong các trường hợp đặc biệt… số km di chuyển tối thiểu trong 1 năm là 26.400km.
Với các doanh nghiệp, tiêu chí xét giải được căn cứ vào số lượng xe của doanh nghiệp (ít nhất 20 xe), trong đó 50% lái xe của doanh nghiệp được ký hợp đồng trên 1 năm; trong năm đơn vị không có xe để xảy ra tai nạn nghiêm trọng; 100% số xe của đơn vị lắp đặt, khai thác hiệu quả thiết bị giám sát hành trình; trong doanh nghiệp có bộ phận theo dõi công tác an toàn giao thông, thường xuyên kiểm tra giám sát hành trình của người lái xe khi làm nhiệm vụ, thực hiện các nội quy quy chế của đơn vị (khi ở đơn vị hay đi làm độc lập); đơn vị không có xe vi phạm chở quá tải.