Trao Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2021
Các sản phẩm đạt giải là những sản phẩm, giải pháp, nền tảng xuất sắc thể hiện năng lực của DN Việt và người Việt trong việc làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo sản phẩm công nghệ số.
Ngọc Bích
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao giải Vàng cho các doanh nghiệp có Giải pháp số xuất sắc của giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam 2021. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Ngày 11/12, trong khuôn khổ diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 3 đã diễn ra lễ trao Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” ("Sản xuất tại Việt Nam).
Đây là giải thưởng uy tín do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/1/2020 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Trong thời gian từ ngày 20/6 đến hết ngày 20/9, Ban Tổ chức Giải thưởng đã nhận được 250 hồ sơ đăng ký trực tuyến dự thi ở tất cả các hạng mục giải thưởng trên trang thông tin về giải thưởng (tại địa chỉ giaithuong.makeinvietnam.mic.gov.vn).
Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2021 bao gồm 5 hạng mục gồm: Giải thưởng Nền tảng số xuất sắc; Giải thưởng Sản phẩm số xuất sắc; Giải thưởng Giải pháp số xuất sắc; Giải thưởng Thu hẹp khoảng cách số và Giải thưởng Sản phẩm số tiềm năng.
Các sản phẩm được tôn vinh cần phải thỏa mãn 2 nhóm tiêu chí chính, đó là thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam và có giá trị thực tế. Trong đó, nhóm tiêu chí giá trị thực tế, cơ cấu điểm liên quan đến doanh thu, số lượng người dùng chiếm khoảng 70% số điểm.
Theo Ban Tổ chức, các sản phẩm tham gia giải thưởng năm nay khá đa dạng, phục vụ cho nhiều lĩnh vực: chuyển đổi số, tài chính, nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh…
Nhiều sản phẩm đã giải quyết các bài toán cộng đồng xã hội, đặc biệt là y tế, giáo dục, phòng chống đại dịch. Các công nghệ mới, công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 như Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (BigData), internet kết nối vạn vật (IoT)… đã được ứng dụng trong nhiều sản phẩm tham dự cuộc thi.
Nhiều sản phẩm đã có thời gian được khẳng định trên thị trường, ngày càng hoàn thiện và có giá trị thực tiễn cao được ghi nhận, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Kết quả, 4 sản phẩm nhận giải Vàng giải thưởng Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam năm 2021 là Nền tảng tạo đề thi, bài tập trực tuyến (online) Azota; Công cụ tìm kiếm Cốc Cốc; Bộ thiết bị Mesh wifi VNPT và Nền tảng thương mại dịch vụ Vỏ sò Viettel. Có 4 giải Bạc được trao cho Dự án Chuyển đổi số nâng cao năng lực quản lý hiến máu tình nguyện và đảm bảo an toàn truyền máu; Trung tâm Điều hành thông minh IOC của VNPT; Hệ thống giám sát sâu rầy thông minh Rynan, Nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA.
Bốn sản phẩm gồm Phần mềm sổ thu chi MISA; Nền tảng ứng dụng điện toán đám mây cho camera VNG Cloud; Hệ thống điều hành dữ liệu DOC Viettel; Bản đồ số Map4D của IOTLink nhận giải Đồng.
Các sản phẩm đạt giải là những sản phẩm, giải pháp, nền tảng xuất sắc, tiêu biểu, thể hiện năng lực của doanh nghiệp Việt và người Việt trong việc làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm công nghệ số.
Các sản phẩm Make in Vietnam đạt giải chính là hạt nhân thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam, chắp cánh cho khát vọng xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia số hùng cường, góp phần thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển, nền kinh tế Việt Nam bứt phá, phát triển nhanh, bền vững./.
Quảng Ninh ưu tiên, tập trung nguồn lực triển khai chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, mang lại các giá trị mới, thiết thực cho người dân, doanh nghiệp...
Mục tiêu Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam 2021-2030 là 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, 100% các di tích quốc gia đặc biệt được số hóa.
"Chuyển đổi số - động lực phục hồi và phát triển kinh tế" sẽ là chủ đề xuyên suốt của Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Đây là năm thứ hai giải thưởng được tổ chức nhằm tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc được thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam có giá trị thực tế lớn được ghi nhận.
Thủ tướng nhấn mạnh, phải thể hiện tinh thần dân tộc trong chuyển đổi số, lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá.