Sáng nay, ngày 6/3, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã long trọng tổ chức lễ trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2017 cho hai nhà khoa học nữ.
Đó là phó giáo sư Trần Vân Khánh, trường Đại học Y Hà Nội và phó giáo sư Đinh Thị Bích Vân, trường Đại học Huế.
Phó giáo sư Trần Vân Khánh là Trưởng Bộ môn Bệnh học phân tử, Khoa Kỹ thuật Y học, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Gen-Protein, Trường Đại học Y Hà Nội.
Bà đã chủ trì 9 đề tài nghiên cứu khoa học, hiện đang chủ trì hai đề tài nghiên cứu khoa học. Tổng số đề tài nghiên cứu khoa học đã tham gia là 20 đề tài. Tổng số bài báo khoa học đã được công bố là 170 bài báo, trong đó có 21 bài đăng trên tạp chí khoa học quốc tế.
Hướng nghiên cứu chính của phó giáo sư Trần Vân Khánh là nghiên cứu về gen. Những kết quả nghiên cứu của bà đã mang lại nhiều giá trị cao trong y học, hỗ trợ điều trị tích cực cho các bệnh nhân.
Tiêu biểu như nghiên cứu liệu pháp điều trị gen cho bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne. Hướng nghiên cứu này đã thiết kế thành công và chứng minh hiệu quả của liệu pháp điều trị cho bệnh loạn dưỡng cơ Duchene trên mô hình tiền tế bào, là tiền đề quan trọng để tiến tới ứng dụng liệu pháp điều trị gen trên bệnh nhân. Đề tài đã được hội đồng Khoa học của Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao và nghiệm thu ở mức xuất sắc.
[Phó giáo sư cả đời "ngồi ghế bị cáo" và giải thưởng Huy chương Puskin]
Nghiên cứu về chẩn đoán trước sinh một số bệnh lý di truyền và người mang gen. Cho đến nay đã có hơn 1.000 bệnh nhân và các thành viên gia đình được chuẩn đoán bằng kỹ thuật gen, phát hiện người lành mang gen bệnh và đoán trước sinh. Với kết quả đạt được, bản đồ đột biến gen của các bệnh lý này trên bệnh nhân Việt Nam đã bước đầu được công bố.
Bà cũng có nhiều công bố nghiên cứu khoa học giá trị về chẩn đoán tiền làm tổ một số bệnh lý di truyền; nghiên cứu về bệnh lý ung thư; nghiên cứu về tế bào gốc…
Cùng nhận giải thưởng hôm nay có phó giáo sư Đinh Thị Bích Lân, Viện Công nghệ Sinh học, Đại học Huế.
Bà là tác giả của nhiều đề tài nghiên cứu tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ có tính ứng dụng cao.
Tiêu biểu có thể kể đến như các loại kháng nguyên tái tổ hợp của một số mầm bệnh; các loại KIT chẩn đoán nhanh (que nhúng) các bệnh truyền nhiễm; vắcxin tái tổ hợp phòng bệnh do E.coli gây ra ở lợn; các tổ hợp lợn lai có tỷ lệ nạc cao.
Bà cũng nghiên cứu ra chế phẩm sinh học chứa kháng thể lòng đỏ trứng gà dùng thay thế kháng sinh trong phòng và điều trị bệnh truyền nhiễm.
Giải thưởng Kovalevskaia mang tên nhà nữ toán học lỗi lạc của Nga thế kỷ 19, bà Sophia Kovalevskaia. Giải thưởng được bắt đầu trao cho các nhà khoa học nữ ở Việt Nam trong lĩnh vực khoa học tự nhiên từ năm 1985. Từ đó đến nay đã có 17 tập thể và 48 cá nhân ở Việt Nam được trao giải./.