Ngày 26/12, Thời báo Ngân hàng đã phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức cễ tổng kết cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách Xã hội – Ý Đảng lòng dân.”
Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách Xã hội - Ý Đảng lòng dân” được phát động từ tháng 8/2024, là một trong những hoạt động nhằm tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Cuộc thi không chỉ tôn vinh những điển hình tiên tiến, những cách làm hay, những mô hình hiệu quả trong công tác quản lý và sử dụng vốn vay ưu đãi mà còn nhằm động viên, khuyến khích các tổ chức tín dụng nói chung, Ngân hàng Chính sách xã hội nói riêng trong việc cung ứng vốn tín dụng nhằm hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách vượt khó vươn lên.
Thủ tướng chủ trì Hội nghị Tổng kết thực hiện Chỉ thị tín dụng chính sách xã hội
Chiều 14/8/2024, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội.
Sau hơn 3 tháng phát động (từ 15/8-30/11/2024), cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo nhà báo, phóng viên của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương. Bên cạnh đó còn có sự tham gia của các “cây viết không chuyên” là những cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội, cán bộ của các tổ chức hội - đoàn thể, thậm chí là cả người vay vốn. Ban tổ chức đã nhận được trên 1.200 tác phẩm báo chí dự thi thuộc nhiều thể loại báo chí như phản ánh, phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký, ghi chép, phóng sự ảnh.
Bà Hoàng Thanh Nhàn, Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi đánh giá, mỗi tác phẩm là một bức tranh sinh động về các tấm gương vượt khó vươn lên thoát nghèo nhờ đồng vốn nhân văn của Đảng và Nhà nước. Những câu chuyện về những tấm gương hy sinh âm thầm nhưng đầy tự hào của các cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội, những “chiến sĩ sen hồng” trên mặt trận xóa đói giảm nghèo. Thậm chí có tác phẩm còn được viết tay, có nhiều tác giả có 2-3 tác phẩm dự thi… cho thấy tâm huyết của các tác giả đối với các chương trình tín dụng chính sách và công cuộc xóa đói giảm nghèo của nước ta.
Ông Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội khẳng định tại buổi lễ, Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội là vô cùng đúng đắn, hợp lòng dân. Nhờ đó, tín dụng chính sách đã đi vào cuộc sống của nhân dân nhanh hơn, đạt hiệu quả tích cực hơn, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, chăm lo các đối tượng yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền trên cả nước.
Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 377.540 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 365.779 tỷ đồng tăng 236.322 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40, với hơn 6,8 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ. Ước đến 31/12/2024, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 367.600 tỷ đồng, trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao hằng năm đạt 269.370 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch Thủ tướng giao.
Bên cạnh đó, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đến nay, nguồn vốn địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội tăng 46.213 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương đạt hơn 50.000 tỷ đồng. Hiện nay 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay.
Trong 10 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ hơn 3,1 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 4,2 triệu lao động (trong đó hơn 51.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài), hỗ trợ hơn 610.000 học sinh, sinh viên được vay vốn đi học, xây dựng hơn gần 13,3 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hơn 189.000 căn nhà ở cho người nghèo và nhà ở xã hội.
Giải đặc biệt được trao cho các tác giả Lê Hoa-Ánh Nguyệt-Văn Báu (Lâm Đồng) với tác phẩm “Tín dụng chính sách xã hội - Trụ đỡ hợp ý Đảng, lòng Dân.” Ngoài ra Ban tổ chức có 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải 3 và 10 giải khuyến khích./.