Trao đổi về cách truyền thông đúng đắn trong công tác bảo vệ trẻ em

Có một thực tế là báo chí, mạng xã hội rất thích khai thác thông tin của cả thủ phạm và nạn nhân bị xâm hại để gợi sự tò mò, lôi kéo người đọc chứ chưa chú trọng cảm nhận của nạn nhân và gia đình.
(Ảnh minh họa)

Ngày 24/7, tại Vĩnh Phúc, Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế tại Việt Nam (SCI) tổ chức hội thảo về “Sự tham gia của truyền thông, báo chí trong công tác bảo vệ trẻ em."

Tại hội thảo, các đại biểu trao đổi những vấn đề về quyền trẻ em; lao động trẻ em; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; ảnh hưởng của dư luận trên mạng xã hội và vai trò điều hướng của truyền thông đại chúng; các nguyên tắc bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em dành cho báo chí; tiếp cận đa chiều trong truyền thông can thiệp trợ giúp trẻ em...

Phó Cục trưởng Cục Trẻ em Nguyễn Thị Nga chia sẻ bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Nhưng hiện nay ở nhiều địa phương, công tác trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vẫn chưa được quan tâm.

Bà Nguyễn Thị Nga mong muốn các cơ quan báo chí hỗ trợ thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức, thúc đẩy công tác hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của các cấp, các ngành, địa phương.

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam nêu dẫn chứng về truyền thông của báo chí trong các vụ việc có liên quan tới trẻ em thông qua vụ việc một nghệ sỹ Việt Nam sang Mỹ và có hành vi xâm hại trẻ em. Sự việc được báo chí, truyền thông rất quan tâm. Tuy nhiên người đọc chỉ thấy được hình ảnh của người vi phạm. Các thông tin về nạn nhân đều được giấu kín.

Trong khi đó, đa số vụ việc xâm hại tình dục xảy ra và bị phát hiện ở Việt Nam (gần đây nhất là vụ xâm hại tình dục bé gái 9 tuổi ở Chương Mỹ, Hà Nội), ngoài thông tin về quá trình tố tụng của cơ quan công an, công chúng thấy được rất nhiều hình ảnh và thông tin cụ thể của người vi phạm và cả nạn nhân... Dù nạn nhân được che mặt nhưng hình ảnh bối cảnh gia đình, thân hình nạn nhân hiện lên rất rõ. Bên cạnh đó, nhiều vụ việc hoàn cảnh gia đình, thông tin của nạn nhân được khai thác rất sâu, kỹ lưỡng.

Điều này cho thấy, báo chí, mạng xã hội rất thích khai thác thông tin của cả thủ phạm và nạn nhân nhằm gợi sự tò mò, lôi kéo người đọc chứ chưa chú trọng cảm nhận của nạn nhân và gia đình.

Phóng viên Nguyễn Ngân, Đài Truyền hình Việt Nam, cũng cho rằng cách tác nghiệp thông thường của nhiều phóng viên hiện nay là đến hiện trường, gia đình gặp nạn nhân và người thân phỏng vấn họ chi tiết về sự việc. Nhiều phóng viên sử dụng phương pháp làm mờ mặt nạn nhân, nhưng lại quay mặt người thân, khung cảnh ngôi nhà của nạn nhân... Thậm chí có những người còn phỏng vấn, yêu cầu nạn nhân mô tả chi tiết quá trình bị xâm hại, điều này vô tình gây tổn thương thêm cho nạn nhân.

[Xử lý xâm hại tình dục trẻ em: Trách nhiệm không của riêng ai]

Chia sẻ tại hội thảo, tiến sỹ Hồ Bất Khuất, Tạp chí Gia đình và Trẻ em, nêu quan điểm nhà báo cần có sự nhạy cảm nghề nghiệp và luôn nêu cao đạo đức nghề báo, đặt lợi ích của trẻ em lên trên hết. Để làm được điều này những nhà báo chuyên viết về lĩnh vực trẻ em, phải có phẩm chất yêu nghề, yêu trẻ, nhanh nhạy trong công việc và dành thời gian nâng cao nghiệp vụ.

Tiến sỹ Hồ Bất Khuất đề nghị các phóng viên nên dành thời gian về vùng sâu, vùng xa... công tác. Trên thực tế, ở những nơi này xảy ra rất nhiều vấn đề mà báo chí viết về trẻ em quan tâm và có thể phản ánh, mổ xẻ hiệu quả. Đây cũng là những địa phương có nhiều trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cần sự giúp đỡ...

Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn và dịch vụ truyền thông Nguyễn Công Hiệu chia sẻ thông tin về những vấn đề nổi cộm của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (111) trong sáu tháng đầu năm 2019. Theo đó, các cuộc gọi tư vấn về xâm hại, bạo lực và kết nối, can thiệp bảo vệ trẻ em chiếm tỷ lệ nhiều nhất (tháng Tư chiếm hơn 51%; tháng Năm chiếm gần 45%). Tiếp đó là thông tin những vụ bạo lực và xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục, bạo lực học đường; bức xúc của người dân về tình trạng trẻ em ăn xin không giải quyết được dứt điểm.

Đề cập tới vấn đề đưa thông tin của báo chí và truyền thông trong việc bảo vệ trẻ em ông Nguyễn Công Hiệu nhấn mạnh, các nhà báo, phóng viên khi đưa thông tin hãy nhớ, đừng nên vì một “view”, “like” mà không để ý đến tâm lý của nạn nhân bởi nhiều khi thông tin đưa ra vô tình có thể giết chết một con người...

Cục Trẻ em cũng cho biết Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ sáu sẽ diễn ra tại Hà Nội vào tháng 8/2019 với sự tham gia của 168 trẻ em được lựa chọn từ diễn đàn trẻ em của các tỉnh, thành phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục